Xuân Trường ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, mua Smart TV Android 40 inch giá 5 triệu đồng. Khác với TV LCD 37 inch đời cũ ở nhà, TV LED đời mới này có thể truy cập mạng bằng Wi-Fi. Không chỉ xem được các kênh truyền hình, TV mới có thể xem video trên YouTube, cài thêm ứng dụng để xem hàng loạt phim truyền hình nổi tiếng. Tuy nhiên, sau hơn một tháng háo hức với những tính năng mới, anh Trường muốn chuyển về TV thông thường, bởi TV thông minh nhưng lại quá chậm. Mỗi lần bật, chuyển kênh, anh đều phải đợi một lúc mới nhìn thấy hình ảnh.
Trong bài viết "những Smart TV Android rẻ nhất ở Việt Nam", nhiều độc giả cũng phàn nàn về chất lượng về TV thông minh giá rẻ tại Việt Nam. Độc giả tên Hoa từng sử dụng TV giá rẻ của thương hiệu Trung Quốc nhận xét: "Tốc độ kết nối mạng của TV rất chậm, dù sử dụng kết nối Internet có dây hay không dây. Thời gian chờ để xem một video ngắn, bằng thời gian để xem xong video đó trên điện thoại luôn". Một người khác đã mua một Smart TV 32 inch ở một siêu thị điện máy lớn 2 năm trước nói: "TV giá rẻ bắt Wi-Fi cực yếu mặc dù để ngay cạnh cục phát. Cuối cùng mua về cũng chỉ để coi truyền hình là chính".
Tuy nhiên, không ít người đánh giá cao những mẫu TV thông minh giá rẻ. Trong một thảo luận về TV giá rẻ trong nhóm chơi thiết bị nghe nhìn, phần lớn ý kiến cho rằng, với số tiền 3 đến 6 triệu đồng, lựa chọn Smart TV hợp lý và giá trị hơn nhiều so với một mẫu TV thông thường tới từ thương hiệu tên tuổi nhưng không có hệ điều hành.
Smart TV là dòng TV được trang bị hệ điều hành, cho phép người dùng cài thêm nhiều ứng dụng mạng xã hội, phần mềm xem video, phim, nghe nhạc online hay trò chơi. Hệ điều hành Android TV xuất hiện muộn hơn các nền tảng Tizen của Samsung hay Web OS của LG, nhưng số lượng mẫu mã và thương hiệu ở thị trường Việt Nam nhiều hơn hai hãng này. Nền tảng Smart TV của Google cũng đang phổ biến ở phân khúc TV thông minh vài triệu đồng.
Một số dòng phổ thông sử dụng hệ điều hành Android TV mà điều khiển, nhận diện giọng nói bằng tiếng Việt được, như Coocaa 40S5G, UBC 32TSM hay Casper 32HG5000, TCL S6800... Trong khi, TV cao cấp giá chục triệu đồng của các hãng lớn, như Samsung, LG, Sony mới có hệ điều hành thông minh hoặc Android TV.
Theo anh Nguyễn Minh Tiến, trưởng ngành hàng TV tại một hệ thống điện máy ở Hà Nội, việc lựa chọn TV vẫn phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của cá nhân và gia đình. Nếu là người trẻ, quen sử dụng đồ công nghệ, thường xuyên kết nối Internet, Smart TV là phù hợp. Còn gia đình nhiều người, có thành viên lớn tuổi, nên ưu tiên TV thông thường, dễ sử dụng. Nếu có nhu cầu sử dụng tính năng thông minh, có thể gắn thêm TV Box.
Với nhóm Smart TV Android giá rẻ, anh Tiến cho rằng người mua cần lựa chọn thật kỹ, vì thực tế, cùng chạy hệ điều hành của Google, nhưng mỗi hãng lại dùng một phiên bản khác nhau, dẫn tới tính năng và trải nghiệm khác nhau. Ví dụ, TV Skyworth 40S3A giá 3,7 triệu đồng và Asanzo 32AS1000 đều sử dụng hệ điều hành Android 6.0 trở về trước. Trong khi đó, cùng tầm tiền, UBC 32TSM hay Coocaa 40S5G, TCL S6800 lại chạy hệ điều hành Android TV phiên bản 8.0. Vì thế, các ứng dụng, trò chơi có thể có giao diện, tính năng hay kho ứng dụng khác nhau, dù cùng là nền tảng Android.
Anh Nguyễn Hải Đông, một người chơi HD lâu năm, cho rằng không nên lựa chọn Smart TV có giá dưới 10 triệu đồng. Vì để tích hợp hệ điều hành, thêm nhiều tính năng, nhà sản xuất phải hy sinh chất lượng tấm nền hiển thị, khả năng xử lý hình ảnh và âm thanh của TV để tối ưu hoá giá thành.
Cấu hình của TV thông minh chạy Android đều rất thấp, từ tốc độ của vi xử lý cho tới RAM, thường chỉ 1 GB hoặc 512 MB, bộ nhớ trong nhỏ, nên các thao tác đơn giản như bật màn hình, chuyển kênh, nguồn phát... tốn thời gian hơn. Sau khi cài thêm ứng dụng và sử dụng một thời gian, TV sẽ chạy chậm đi, có thể bị treo. Ngay cả một số mẫu TV Android cao cấp giá hàng chục triệu đồng, hiện tượng này cũng xuất hiện sau một, hai năm sử dụng, dẫn đến việc phải reset lại phần mềm.
Ngoài ra, anh Đông cho rằng, tính năng thông minh nhanh lỗi thời. Hệ điều hành trên TV đều không được "lên đời" mỗi năm như smartphone và tablet, trong khi vòng đời sử dụng của chúng lại dài. Vì vậy, thay vì đầu tư vào TV thông minh, có tính năng điều khiển giọng nói, có kho ứng dụng..., người mua nên tập trung vào hình ảnh và âm thanh - 2 tính năng cơ bản của TV. "Các tính năng thông minh, điều khiển bằng giọng nói, kho ứng dụng xem phim, nghe nhạc, chơi game... đều có thể nâng cấp được bằng cách bổ sung bằng một chiếc Android TV Box nhỏ gọn", anh nói.