Cuối 2019, Phương Thảo (Tây Hồ, Hà Nội) đặt mua 5 TV Mi 4C của Xiaomi từ một cửa hàng ở Hà Nội cho căn nhà mới xây. Sản phẩm là hàng nội địa được cửa hàng tự nhập về Việt Nam và bán với giá 6 triệu đồng. Với mức giá bằng nửa TV thông minh "đời cũ" của những hãng tên tuổi ở Việt Nam, nhưng TV Thảo mua có hệ điều hành Android, được giới thiệu là có thể cài thêm hàng chục ứng dụng, thoải mái như smartphone.
Khi mới về, cảm nhận đầu tiên của Thảo về sản phẩm là màn hình đẹp, kết nối mạng nhanh. Nhưng chỉ vài tuần sau, phiền phức bắt đầu xuất hiện.
Đầu tiên là ứng dụng YouTube sử dụng hằng ngày trên cả 5 chiếc TV đột nhiên không sử dụng được nữa, bấm vào chỉ hiện ra thông báo không hỗ trợ. Cô tìm cách khắc phục bằng cách khôi phục cài đặt gốc. Lập tức, giao diện TV từ ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt chuyển thành tiếng Trung.
Liên hệ lại cửa hàng, Thảo mới biết 5 chiếc TV của mình là hàng nội địa Trung Quốc, nên dù chạy Android, hệ điều hành này cũng bị hạn chế, không hỗ trợ các ứng dụng quốc tế phổ biến. Trước đó, người bán đã chạy lại phần mềm, cài thêm một số ứng dụng "không chính chủ" để Thảo có thể dùng ổn định lúc đầu.
Phương Thảo chỉ là một trong nhiều trường hợp gặp rắc rối với TV Xiaomi gần đây.
Với dòng TV này, phiền phức hay gặp nhất là phần mềm. Theo anh Nguyễn Quang Huy, một người kinh doanh thiết bị nghe nhìn trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, giống điện thoại, hầu hết các thiết bị nghe nhìn, từ đầu phát HD cho tới TV thông minh chạy Android hàng nội địa Trung Quốc đều bị giới hạn, không dùng dịch vụ của Google. Vì thế, các ứng dụng quen thuộc trên TV như YouTube, Netflix, Facebook Watch hay kho ứng dụng Android CH Play TV đều không có. Ngay cả khi đã được tải về và cài đặt, chúng cũng có thể đột ngột dừng hoạt động do không phải bản chính thức, hoặc thiếu một số chứng chỉ bảo mật. Ví dụ, với ứng dụng Netflix, các TV 4K của Xiaomi chỉ có thể cài đặt được phiên bản dành cho di động, độ phân giải bị giới hạn ở chất lượng HD. Trong khi đó, ở phần lớn các mẫu TV thương hiệu khác đang bán ở Việt Nam, độ phân giải đạt 4K.
Để giải quyết cho rắc rối về phần mềm như trên, những người dùng TV Xiaomi đã mua thêm một chiếc đầu phát riêng, chạy Android bản chuẩn để dùng với TV Xiaomi, thay thế cho hệ điều hành có sẵn. Chi phí bỏ ra từ 1 đến 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, những trục trặc về phần cứng mới là điều phiền phức nhất. Một người dùng TV Xiaomi tại Việt Nam đã bỏ thêm một triệu đồng để mua gói bảo hành vàng một đổi một trong vòng 15 tháng cho chiếc TV 4S 58 inch giá gần 10 triệu đồng. Nhưng đến khi sản phẩm gặp lỗi, cửa hàng từ chối bảo hành theo chính sách. Lý do mà họ đưa ra là model này đã hết hàng nên không thể áp dụng một đổi một nữa, để khắc phục lỗi, cần đợi 15 đến 20 ngày để liên hệ với nhà cung cấp bên Trung Quốc.
TV Xiaomi chưa được phân phối chính thức tại Việt Nam. Vì thế, các đại lý đều tự nhập hàng về từ thị trường Trung Quốc, tự đưa ra chính sách bảo hành không giống nhau, không có quy định rõ ràng.
Khi sản phẩm gặp lỗi, việc tìm nơi sửa các dòng TV này cũng khó khăn hơn rất nhiều so với TV phổ thông từ Samsung, LG, Sony. "Nếu hỏng màn hình, cách tốt nhất là đem bán sắt vụn chứ đừng sửa" là câu nói đùa quen thuộc trong cộng đồng người dùng TV Xiaomi.
TV Xiaomi mới xuất hiện nhiều ở Việt Nam trong khoảng 2 năm, vì thế, linh kiện thay thế rất hạn chế. Ngay cả những vấn đề thông thường của TV như đèn nền, bo mạch... cũng không có nhiều nơi sửa. Trong khi đó, chi phí đóng gói, vận chuyển về Trung Quốc để bảo hành có thể bằng nửa tiền mua TV mà còn chưa kể rủi ro rơi vỡ khi vận chuyển qua lại.
Dù giá rẻ và mẫu mã đa dạng, TV Xiaomi chỉ phù hợp với người có tìm hiểu về công nghệ. Theo nhiều người đã sử dụng, không nên trang bị TV này cho gia đình vì điều khiển của nó không dễ dùng, TV cũng không được tích hợp sẵn ăng-ten DVB-T2, tiêu chuẩn của TV ở Việt Nam.