Cũng giống smartphone vài năm trước, TV Xiaomi xâm nhập thị trường Việt Nam từ đường xách tay với nhiều mẫu mã, không thua kém các tên tuổi lớn như Sony, Samsung, LG. Thậm chí, nếu so với Panasonic, Sharp, Toshiba, thương hiệu tới từ Trung Quốc còn áp đảo về số lượng và kích cỡ màn hình. Thống kê từ một cửa hàng ở Hà Nội, số model bán ra đã tới 25 mẫu thuộc gần chục dòng sản phẩm khác nhau.
Phân khúc dưới 10 triệu đồng kích cỡ 55 inch trở xuống là các model như 4S, 4C, 4X hay 4A. Tầm giá cao hơn, 10 - 20 triệu đồng, có các mẫu TV4, E55A, E65A hay phiên bản Pro với kích cỡ màn hình 55 đến 65 inch. Hơn nữa là các model có kích cỡ 75 inch thiết kế siêu mỏng kiểu khung tranh như Mi Mural, cạnh tranh với nhiều mẫu TV cỡ lớn của LG, Samsung hay Sony.
Nhân viên của một cửa hàng trên đường Láng (Hà Nội) tiết lộ, mỗi ngày họ bán ra trung bình hơn chục chiếc TV Xiaomi. Với dịp cao điểm như khai mạc các giải bóng đá châu Âu hay tuyển Việt Nam thi đấu, số lượng bán ra gấp hai, ba lần thông thường. Ban đầu, cửa hàng này kinh doanh các dòng điện thoại, phụ kiện nhập từ Trung Quốc, nhưng gần một năm trở lại đây đã tập trung vào kinh doanh TV.
Giá rẻ nhưng tính năng đa dạng, ngoại hình bắt mắt so với TV cùng tầm là lý do khiến nhiều người tìm đến Xiaomi. Ví dụ, ở mức giá 3,5 đến 3,8 triệu đồng, người mua đã sắm được Smart TV Xiaomi chạy Android, như model 4C và 4S 32 inch. Trong khi đó, số tiền trên không thể mua được sản phẩm HD thông thường của Samsung, Sony, LG.
Với những kích thước cỡ lớn, như 65, 70 hay 75 inch, TV của Xiaomi cũng có lợi thế lớn về giá so với các thương hiệu quen thuộc. Sản phẩm của Sony, Samsung hay LG ở cỡ này giá từ 20 đến 50 triệu đồng, trong khi nhiều mẫu TV 4K Xiaomi giá thấp bằng nửa. Ví dụ, 4A và E65A 65 inch có giá từ 12 đến 13 triệu đồng. Hay model Redmi 70 inch có giá 16 triệu đồng.
Vũ Hưng, một người chuyên kinh doanh đồ điện tử từ Trung Quốc cho biết, TV Xiaomi về Việt Nam nhiều như hiện nay là do việc vận chuyển về Việt Nam không còn khó khăn như trước. Các cửa hàng bán tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc, thường đã quen với việc kinh doanh đồ điện tử Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều người cũng tự đặt hàng trên các trang thương mại điện tử Trung Quốc rồi thuê các công ty vận chuyển trong nước đem về sử dụng, bán lại.
Tuy nhiên, đánh đổi cho mức giá rẻ là rủi ro về chất lượng. Ban đầu, người mua phải bỏ thêm từ 1 đến 2 triệu đồng đặt cọc tại cửa hàng để đảm bảo khi gặp trục trặc sẽ được đổi mới. Còn nếu tự đặt mua từ Trung Quốc và vận chuyển về, TV lỗi lại phải gửi quay lại Trung Quốc vì linh kiện thay thế và khả năng sửa chữa của thợ trong nước hạn chế.
Bên cạnh đó, cũng như điện thoại hay máy tính bảng, các mẫu TV Xiaomi chạy Android nhưng bị giới hạn nhiều tính năng do là hàng nội địa Trung Quốc. Các ứng dụng YouTube, Netflix... có thể cài đặt thêm nhưng không tương thích hoàn toàn, độ phân giải giới hạn không lên được 4K do thiếu chứng chỉ của Google. Hay để bỏ giao diện tiếng Trung và chuyển sang giao diện tiếng Việt, tiếng Anh cũng cần phải can thiệp vào phần mềm. Vì thế, việc sử dụng với người không rành công nghệ có thể phức tạp hơn nhiều TV thông thường.
Trên cộng đồng người dùng TV Xiaomi ở Việt Nam, nhiều người vẫn phàn nàn về chất lượng hình ảnh của TV hãng này. Dù hỗ trợ 4K và HDR, màu sắc ở màn hình của Xiaomi hiện giờ vẫn chưa thể bằng được những sản phẩm tầm trung của Samsung, Sony. Vì màn hình lớn, giá rẻ, nên Xiaomi phù hợp với nhà hàng, quán cà phê hơn là trong gia đình, cho những người thưởng thức phim ảnh.