"Màn hình 40 inch, điều khiển bằng giọng nói, chạy hệ điều hành thông minh" là lời giới thiệu của một mẫu Smart TV trên mạng với giá bán chưa tới 5 triệu đồng. Cùng số tiền này, khó có thể kiếm được một mẫu Smart TV kích thước tương đương mà nhiều tính năng như vậy tại các siêu thị điện máy. Tuy nhiên, khi tìm kiếm trên các trang thương mại điện tử, người dùng lại có ngay hàng chục lựa chọn khác nhau ở tầm giá dưới 10 triệu đồng.
Trong vòng một năm nay, số lượng nhãn hiệu TV thông minh ở Việt Nam đã tăng lên gấp đôi với gần chục cái tên mới, tập trung chủ yếu vào thị trường online, chưa xuất hiện nhiều tại các cửa hàng bán lẻ hay siêu thị điện máy. Các thương hiệu dễ gặp là Xiaomi, TCL hay Skyworth, thậm chí cả thương hiệu Việt, như UBC, Darling... Ngoài ra, còn những sản phẩm của các nước Đông Nam Á như Coocaa (Indonesia) hay Aconatic (Thái Lan)... Điểm chung của những thương hiệu mới xuất hiện là giá rẻ và kích cỡ màn hình dưới 55 inch. Phần lớn đều có giá dưới 10 triệu đồng, một số ít ở tầm giá 10 đến 20 triệu đồng, hiếm thấy chúng ở phân khúc cao cấp. Những thương hiệu này cũng không có màn hình cỡ lớn, không mang công nghệ mới như OLED hay QLED.
Lượng khách hàng tìm đến với các dòng Smart TV giá rẻ mới này tương đối nhiều, dù chúng xuất hiện không lâu và ít được quảng bá. Trên các trang thương mại điện tử, mức độ phổ biến của những model tới từ Coocaa, TCL hay Darling... còn hơn những sản phẩm của Samsung, Sony. Một cửa hàng chuyên kinh doanh TV Xiaomi ở đường Láng (Hà Nội) cho biết mỗi ngày họ bán được tới gần chục sản phẩm, dù chỉ quảng cáo qua mạng và không bày bán trực tiếp.
Thị trường TV trong nước đang đón nhận làn sóng sản phẩm giá rẻ giống thị trường smartphone trước kia. Thương hiệu mới xuất hiện ồ ạt, phủ xuống tầm giá mà những thương hiệu truyền thống chưa tiếp cận được. Người mua chủ yếu vì giá chênh lệch lớn, ông Lê Quang Vũ, Giám đốc một hệ thống siêu thị điện máy lớn ở khu vực phía Bắc nhận xét.
Ví dụ, cùng tầm giá 7 triệu đồng, người dùng chỉ có những Smart TV phổ thông 32 inch, độ phân giải HD như Samsung N4300 hay LG LM6300. Nhưng cùng tầm tiền này, các model tới từ các thương hiệu mới như Coocaa, Xiaomi, Darling hay UBC đã có màn hình 40, 43 inch, độ phân giải Full HD.
Ngoài ra, dù không có hệ điều hành được phát triển riêng như Tizen của Samsung hay WebOS tới từ LG, các mẫu TV thông minh giá rẻ cũng nhiều tính năng. Ngoài khả năng kết nối Internet không dây để xem video, nghe nhạc online, chúng có thể cài đặt thêm nhiều ứng dụng, trò chơi. Không ít model còn có tính năng ra lệnh, tìm kiếm bằng giọng nói nhờ có trợ lý ảo của Assistant của Google.
Tuy nhiên, việc sử dụng Android để chạy các tính năng thông minh cũng khiến những mẫu TV này gặp những hạn chế. Theo anh Nguyễn Hải Đông, một người chơi thiết bị nghe nhìn HD lâu năm ở Hà Nội, hệ điều hành Android trên nhiều mẫu TV thông minh giá rẻ thường chưa được tuỳ biến giống như Android TV của Google, do đó, anh phải dùng như trên một chiếc smartphone hay máy tính bảng phóng to, mà còn bất tiện vì không dùng cảm ứng được.
Ngoài ra, anh Đông còn cho biết để có giá cạnh tranh, cấu hình của nhiều mẫu Smart TV giá rẻ chạy Android đều khá yếu, sử dụng phiên bản phần mềm thấp đã ra mắt nhiều năm. Android TV giờ đã lên Android 9.0, nhưng có model được bán trên mạng vẫn còn dùng Android 4.4 ra mắt từ năm 2013. Vì thế, sử dụng lâu, người dùng có thể gặp hiện tượng treo hoặc nhiều trường hợp TV kén ứng dụng.
Bên cạnh đó, màn hình và chất lượng hình ảnh cũng là yếu tố cần quan tâm. Tấm nền màn hình là thành phần quan trọng và chiếm phần lớn giá bán. Trường hợp trục trặc, chi phí thay màn hình thậm chí có thể chiếm gần hết mức giá của TV. Khi lựa chọn Smart TV giá rẻ và mua hàng qua mạng, người mua cần để ý kỹ về cách thức bảo hành hay chi phí thay thế màn hình trong trường hợp bị trục trặc.