Trong bài bình luận trên Washington Post hôm 3/8 với tiêu đề "Tổng thống Trump cam kết bảo vệ nước Mỹ và Nga biết điều đó", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien cho rằng Trump đã cho Nga thấy rõ quan điểm "Nước Mỹ trước tiên" của ông.
Lập trường này liên tục được Trump nhắc tới trong suốt gần 4 năm ở Nhà Trắng. Tuy nhiên, một số cựu cố vấn khác không đồng tình, cho rằng cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ với Tổng thống Nga Vladimir Putin không đơn thuần như vậy, theo Jim Sciutto, người phụ trách mảng an ninh quốc gia của CNN.
Khi phỏng vấn nhiều quan chức cũ và hiện tại của chính quyền Trump cho cuốn sách sắp phát hành về Trump, Sciutto cho biết một trong số cựu quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Tổng thống mô tả cách tiếp cận của Trump với Nga "không thể giải thích được". Và phản ứng của Tổng thống với Moskva về vấn đề Ukraine, Syria, Afghanistan, triển khai quân đội ở châu Âu hay cáo buộc Nga can thiệp bầu cử đều "mâu thuẫn với các mục tiêu" an ninh quốc gia của Mỹ.
Sciutto cho rằng O'Brien đã phớt lờ "có chọn lọc" khi đề cập tới các ví dụ này cùng nhiều vấn đề khác.
Trong bài viết đăng ngày 29/7 Marshall Cohen, đồng nghiệp của Sciutto, đã thống kê Trump có 37 lần mềm mỏng với Nga, không chỉ là các bình luận công khai về việc Putin phủ nhận can thiệp bầu cử năm 2016, mà còn là các động thái về chính sách nhằm thách thức các cố vấn của Trump, nhà lập pháp Cộng hòa hay đồng minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nó cũng bao gồm lời mời Nga quay lại nhóm G7 và đóng băng hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Để chứng minh cho thái độ cứng rắn của Trump với Nga, cố vấn an ninh O'Brien dẫn chứng việc Mỹ tài trợ ngân sách cho "Sáng kiến Răn đe ở châu Âu", nhằm đối phó với Moskva.
Tuy nhiên, minh chứng của O'Brien trái ngược với quyết định rút hàng nghìn lính Mỹ khỏi châu Âu, động thái mà không ai khác ngoài Điện Kremlin hưởng ứng. Trump cũng nhiều lần trì hoãn lệnh trừng phạt Nga, theo Sciutto.
"Giống cựu tổng thống Ronald Reagan, Tổng thống Trump chỉ cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với tất cả quốc gia", O'Brien giải thích. Cố vấn an ninh quốc gia thêm rằng bằng cách mềm mỏng với Nga, Trump chỉ đơn giản đang đặt nền tảng cho cách đối phó tốt hơn với Putin.
Theo quan điểm của O'Brien, Trump sẽ tạo dựng mối quan hệ tốt với Moskva thông qua các động thái mềm mỏng và sau đó tạo áp lực một cách nhẹ nhàng để đảm bảo quyền lợi của cả Mỹ và Nga, trong khi vẫn giúp thế giới trở nên an toàn hơn.
"Nếu dựa theo kinh nghiệm và phỏng đoán của tôi, quan điểm của Trump là 'tôi cần Nga'", Susan Gordon, cựu phó giám đốc tình báo quốc gia, nói. Bà nhận định mục đích là "để không trở thành kẻ thù. Để Trump không cần đối phó về mặt quân sự. Để không phải chi thêm ngân sách cho những nơi mà Trump không muốn. Để không tạo ra thêm một mặt trận đối đầu quân sự".
Trump không phải tổng thống đầu tiên bước vào Nhà Trắng với niềm tin rằng có thể thay đổi căn bản mối quan hệ với Moskva. Hai người tiền nhiệm liền kề Trump cũng từng tin sẽ làm được điều mà những người đi trước từng thất bại.
Tháng 6/2001, sau hội nghị thượng đỉnh ở Slovenia, tổng thống George W. Bush (Bush con) nói rằng ông đã "nhìn thấu tâm can Putin".
"Tôi đã nhìn vào mắt người đàn ông này. Tôi thấy ông ấy rất thẳng thắn và đáng tin. Chúng tôi đã có cuộc đối thoại vui vẻ. Tôi có thể cảm nhận được ông ấy là người đàn ông hết lòng vì đất nước và mong muốn mang đến lợi ích tốt nhất cho quốc gia của mình", Bush nói.
Gần 8 năm sau, chỉ vài tháng sau khi Mỹ cáo buộc Nga "xâm chiếm" Gruzia, tổng thống Barack Obama đã cử ngoại trưởng Hillary Clinton tới Geneva, nơi bà nhấn nút "khởi đầu mới" với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov.
HR McMaster, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ 2017-2018, nói rằng Trump là lãnh đạo Mỹ mới nhất tin rằng có thể khiến Putin "thay đổi" và nhận định ý tưởng này hoàn toàn phi thực tế.
Điều khiến nhiều trợ lý của Trump khó hiểu là tại sao Trump vẫn giữ nguyên quan điểm về Nga và Putin. Cách tiếp cận của Nga đối với Mỹ vẫn nhất quán, khi dường như ngày càng đối đầu với Mỹ trên nhiều mặt trận, từ Ukraine tới Syria.
"Bush và Obama cuối cùng đã từ bỏ tham vọng của họ với Nga. Nhưng tại sao Tổng thống Trump lại chọn điều ngược lại?", Sciutto đặt câu hỏi.
Nhiều trợ lý của Trump cho rằng có thể Tổng thống Mỹ "ngưỡng mộ" Putin và với quyền lực mà Tổng thống Nga sở hữu. Họ chia sẻ Trump thích hình ảnh lãnh đạo mạnh mẽ của Putin và nhận thấy quan điểm của Tổng thống Nga có nhiều điểm chung với lập trường "Nước Mỹ trước tiên" của ông.
Trump tin ông có thể sử dụng mối quan hệ cá nhân với Putin để giúp không chỉ bản thân ông mà cả nước Mỹ. Tuy nhiên, sự ngưỡng mộ dành cho Putin cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Nếu Nga ngày càng đối đầu Mỹ, bạn phải tiêu tốn nhiều nguồn lực để chống lại quốc gia này. Nhưng tôi không chắc Tổng thống muốn làm như vậy"', Gordon cảnh báo.
Một số quan chức tình báo giàu kinh nghiệm của Mỹ thậm chí lo ngại mọi chuyện có thể trở nên tệ hơn khi Putin biết Trump ngưỡng mộ ông và cố gắng khai thác điều đó. Nhiều cố vấn cấp cao thậm chí cho rằng thái độ của Trump đối với các lãnh đạo của EU một phần bị ảnh hưởng bởi Putin.
Dù cố vấn an ninh O'Brien nói Trump đã có nhiều bước đi cứng rắn với Nga, nhưng một số cựu cố vấn cấp cao cho rằng thái độ "mềm mỏng" của ông có thể đe dọa tới an toàn của nước Mỹ.
Thanh Tâm (Theo CNN)