Hơn 140 thành viên Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đang họp tại Thổ Nhĩ Kỳ để bầu ghế Chủ tịch trong nhiệm kỳ 4 năm. Cuộc đua sẽ được phân định trong ngày 25/11 giữa hai ứng viên nổi bật nhất là bà Sarka Havrankova, đại tá cảnh sát Cộng hòa Czech, và tướng cảnh sát Ahmed Naser al-Raisi từ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Tướng al-Raisi được đánh giá nhiều khả năng đắc cử nhờ nhiều tháng vận động quyết liệt với quan chức cảnh sát các nước. Tuy nhiên, ứng viên từ UAE này vấp phải sự phản đối không nhỏ trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ các nước phương Tây.
Tổ chức Quan sát Nhân Quyền (HRW) và Trung tâm Nhân quyền vùng Vịnh (GCHR) lưu ý tướng al-Raisi phụ trách điều tra các khiếu nại về cảnh sát và lực lượng an ninh UAE, trong khi lực lượng hành pháp nước này thường xuyên bị chỉ trích lạm dụng quyền lực.
Từ khi al-Raisi ứng cử chức Chủ tịch Interpol, truyền thông phương Tây và một số nhân chứng đã đặt dấu hỏi về uy tín của tướng cảnh sát này. Hai công dân Anh gồm Matthew Hedges và Ali Issa Ahmad từng bị bắt ở UAE và cả hai nói rằng họ bị tra tấn trong thời gian bị giam.
"Tướng al-Raisi chịu trách nhiệm giám sát hệ thống nhà tù UAE, nơi một số quản giáo và thẩm vấn viên bị cáo buộc có hành vi tra tấn. Tình trạng này diễn ra dưới quyền của ông ấy. Interpol không thể làm ngơ. Họ cần phải lên tiếng thay vì chấp nhận", Rodney Dixo QC, luật sư đại diện cho Hedges và Ahmad, chia sẻ.
Tinna Jauhianinen, công dân Phần Lan, kể từng vướng vào rắc rối pháp lý với UAE lẫn Interpol khi giúp công chúa Latifa bint Mohammed al-Maktoum, con gái Tiểu vương Dubai Mohammed bin Rashid al-Maktoum, bỏ trốn. Hai người bị giới chức Ấn Độ bắt lại trên hải phận quốc tế và trao trả cho UAE.
Jauhiainen bị tạm giữ trong vài tuần trước khi được hồi hương. Vài tháng sau, khi bị Australia từ chối cấp thị thực nhập cảnh, cô phát hiện mình nằm trong danh sách thông báo đỏ (yêu cầu truy bắt nhằm dẫn độ) của Interpol theo đề nghị từ UAE. Lệnh truy nã hình sự quốc tế với Jauhiainen chỉ được thu hồi sau khi luật sư can thiệp.
"Sự cố đó cho thấy họ đã thao túng hệ thống dễ dàng", Jauhiainen bày tỏ lo ngại.
Giám đốc GCHR Khalid Ibrahim cảnh báo tướng al-Raisi đắc cử sẽ tạo ấn tượng không tốt cho Interpol và các nước thành viên.
Một số nước còn kêu gọi cộng đồng quốc tế thanh tra lại khoản quyên góp 50 triệu USD từ UAE cho Interpol vài năm trước, lo ngại mâu thuẫn lợi ích khi ứng viên nước này đắc cử. David Calvert-Smith, cựu lãnh đạo cơ quan công tố Anh và xứ Wales, cáo buộc UAE tìm cách tạo ảnh hưởng lên Interpol thông qua tài trợ và một số công cụ ngoại giao khác.
Ở cuộc phỏng vấn 48 giờ trước phiên bỏ phiếu, nữ đại tá cảnh sát Cộng hòa Czech Havrankova nhấn mạnh hồ sơ ứng cử của mình dành cho những nước thành viên thật sự quan tâm đến "vai trò đại diện pháp quyền và niềm hy vọng" của Interpol trong cộng đồng quốc tế. Bà cảnh báo tổ chức có nguy cơ nhanh chóng đánh mất niềm tin và sự tôn trọng của các nước nếu quyết định sai lầm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao UAE nhấn mạnh nước này vừa được công nhận là một trong những nước an toàn nhất thế giới. Thành tích này có phần đóng góp không nhỏ của tướng al-Raisi với hàng thập kỷ hiện đại hóa lực lượng cảnh sát quốc gia, tăng cường huấn luyện, bổ sung công nghệ và tạo điều kiện cho nữ giới vào biên chế.
"Mọi khiếu nại nhắm vào ông al-Raisi đều vô căn cứ và chúng tôi kiên quyết phản bác", người phát ngôn cho biết.
Vị trí chủ tịch Interpol được 192 thành viên bỏ phiếu bầu trong phiên họp của Đại hội đồng Interpol với nhiệm kỳ 4 năm, mỗi nước thành viên được bỏ một phiếu.
Chủ tịch Interpol là người đứng đầu Ủy ban Điều hành gồm 13 người. Thành viên Ủy ban Điều hành là những quan chức an ninh hàng đầu tại một số nước, có nhiệm vụ đưa ra phương hướng và chỉ dẫn cho tổ chức, đồng thời giám sát việc thực hiện các quyết định được Đại hội đồng đưa ra hàng năm.
Nhiệm vụ của chủ tịch Interpol là chủ trì các cuộc họp của Đại hội đồng và Ủy ban điều hành, đảm bảo hoạt động của tổ chức phù hợp với các quyết định của Đại hội đồng và Ủy ban điều hành, đồng thời duy trì liên lạc trực tiếp và liên tục với tổng thư ký.
Ngoài tranh cãi liên quan đến tướng al-Raisi, các nước thành viên Interpol cũng đang chia rẽ về đề cử Hồ Bân Sâm, phó tổng giám đốc Cục Hợp tác Quốc tế Bộ Công an Trung Quốc, vào nhóm 13 ủy viên điều hành cơ quan giám sát công việc của ban thư ký.
Giữa tháng 11, khoảng 50 nghị sĩ từ 20 quốc gia đã viết thư cho chính phủ nước họ để phản đối việc đề cử Hồ Bân Sâm. Họ cho rằng động thái này làm dấy lên lo ngại Trung Quốc muốn thực thi luật pháp của họ ở nước ngoài và lạm dụng thông báo đỏ hoặc hệ thống cảnh báo của Interpol.
Reinhard Butikofer, nghị sĩ Đức tại Nghị viện châu Âu (EP), lưu ý cựu chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ từng bị nghi ngờ tác động lên chính sách của tổ chức và tăng quyền cho ủy ban điều hành trong nhiệm kỳ. Ông Mạnh là cựu thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, được bầu làm chủ tịch Interpol năm 2016, nhưng bị giới chức Trung Quốc bắt năm 2018 và lĩnh án hơn 13 năm tù vì tội tham nhũng một năm sau đó.
Trong nỗ lực giờ chót nhằm chặn ứng viên Trung Quốc, một nhóm nghị sĩ Australia ngày 23/11 đã ký vào danh sách phản đối ứng viên này. Các nghị sĩ Australia lo ngại thông báo đỏ, công cụ truy nã quốc tế, cũng như những dữ liệu nhạy cảm ở Interpol có thể bị lạm dụng cho mục tiêu chính trị.
Giám đốc IPAC Luke de Pulford cáo buộc Trung Quốc thời gian qua đẩy mạnh truy lùng tội phạm bị truy nã trốn ra nước ngoài, chủ động tìm kiếm công cụ pháp lý làm "cánh tay nối dài" cho lực lượng cảnh sát.
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là phương Tây, càng thêm hoài nghi Bắc Kinh sau căng thẳng ngoại giao với Canada. Hai công dân nước này bị bắt giam tại Trung Quốc với cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia ngay sau khi giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Vancouver. Họ được trả tự do gần như ngay lập tức khi tòa án Canada bác yêu cầu dẫn độ của Bộ Tư pháp Mỹ và cho phép bà Mạnh hồi hương.
"Trung Quốc dường như đang muốn kiểm soát các tổ chức quốc tế như Interpol trong giai đoạn các nước phương Tây mất tập trung hoặc giảm mức độ quan tâm", Pulford nhận định.
Những người chỉ trích ứng viên Trung Quốc và UAE cảnh báo những nước có nguồn lực tài chính dồi dào đang dùng kinh tế để tác động lên lá phiếu ở Interpol. Họ cho rằng quy trình bầu cử của tổ chức cảnh sát quốc tế vẫn chưa đảm bảo tính minh bạch cao sau nhiều năm nỗ lực cải cách bộ máy.
"Tổ chức này thường không thích làm những việc có nguy cơ làm mất mặt một vài nước. Họ rất cẩn thận không chỉ trích nước khác và làm việc đậm chất ngoại giao", Bruno Min, lãnh đạo sáng kiến cải cách Interpol của tổ chức Fair Trials, chia sẻ. Interpol và Trung Quốc không đưa ra bình luận về những thông tin này.
Trung Nhân (Theo Interecept/Guardian/WP)