Trang web của Bộ Quốc phòng Ukraine và hai ngân hàng nước này ngày 15/2 tê liệt vì bị tấn công từ chối dịch vụ (DDOS), sau khi Nga tuyên bố rút một phần lực lượng quân sự gần biên giới Ukraine.
DDOS là hình thức tấn công sử dụng lượng lớn truy cập từ nhiều nguồn nhằm đánh sập máy chủ lưu trữ và được sử dụng phổ biến. Ukraine và nhiều quốc gia thường xuyên hứng các đợt tấn công mạng kiểu này.
"Không loại trừ những kẻ gây hấn áp dụng chiến thuật sử dụng thủ đoạn vì họ không thể thực hiện kế hoạch gây hấn quy mô lớn", Trung tâm Truyền thông Chiến lược và An ninh Thông tin thuộc Bộ Chính sách Văn hóa và Thông tin Ukraine ngày 15/2 cho biết. Ukraine thường dùng thuật ngữ "kẻ gây hấn" để chỉ Nga sau khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Website của Bộ Quốc phòng Ukraine hiện thông báo "đang bảo trì" sau khi bị tấn công. Cơ quan này đăng trên Twitter rằng họ đang tìm cách khôi phục hoạt động của website.
Oshadbank xác nhận cuộc tấn công làm chậm một số hệ thống của ngân hàng này. Trong khi đó, khách hàng của Privatbank gặp vấn đề khi thanh toán và dùng ứng dụng của ngân hàng.
Nga chưa bình luận về thông tin này. Ukraine từng đổ lỗi cho Nga về các vụ tấn công mạng, cáo buộc mới nhất được đưa ra sau khi quân đội Nga thông báo rút bớt các đơn vị đã hoàn thành diễn tập gần Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ và đồng minh khẳng định họ sẵn sàng đối phó các vụ tấn công mạng của Nga, dù chưa có nhiều thông tin chi tiết. "Chúng tôi có loạt phương tiện để phản ứng trước một cuộc tấn công mạng hoặc các loại hình tấn công khác", thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói.
Tuy nhiên, hãng Cloudflare, có trụ sở tại San Francisco và chuyên cung cấp dịch vụ chống DDOS, cho biết chưa phát hiện bằng chứng về hoạt động tấn công quy mô lớn nhằm vào các trung tâm dữ liệu hoặc khách hàng ở Ukraine.
Căng thẳng Ukraine tăng nhiệt từ cuối năm ngoái, sau khi Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây để lên kế hoạch tấn công nước láng giềng.
Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự ở biên giới là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Trong những tuần qua, dù Mỹ liên tục phát cảnh báo Nga "sắp tấn công", chính phủ Ukraine vẫn tin rằng tình hình "không có gì mới" và thúc đẩy các bên đàm phán tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Ukraine đã cùng ba nước còn lại trong Bộ tứ Normandy gồm Nga, Pháp và Đức thảo luận về quá trình thực thi Thỏa thuận Minsk về chiến sự ở miền đông Ukraine.
Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, ngày 15/2 thông báo các đơn vị thuộc Quân khu phía Tây và phía Nam đang trở về căn cứ sau khi hoàn thành diễn tập gần Ukraine. Động thái này được đánh giá là nhằm hạ nhiệt căng thẳng, bày tỏ thiện chí trong đàm phán, khẳng định Nga "nói lời giữ lấy lời" và đáp trả cáo buộc họ sẽ tấn công Ukraine ngày 16/2.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Thế trận của Nga quanh Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)