Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, ngày 15/2 thông báo các đơn vị thuộc Quân khu phía Tây và phía Nam đang trở về căn cứ sau khi hoàn thành diễn tập gần Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cũng công bố video quân nhân chuyển xe tăng, thiết giáp và các khí tài khác về nơi đóng quân thường trực.
"Chưa rõ binh lực Nga rút khỏi vùng giáp biên giới với Ukraine là bao nhiêu, song ngoài thực hiện cam kết rút quân sau khi hoàn thành các cuộc diễn tập của Quân khu phía Tây và phía Nam, động thái của Moskva còn phát đi một số thông điệp", đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, nói với VnExpress.
"Đầu tiên, Nga muốn chứng tỏ cho dư luận rằng họ luôn 'nói lời, giữ lấy lời' và thực sự không muốn chiến tranh, thay vào đó lấy đàm phán ngoại giao làm phương sách tối ưu trước mắt để giải quyết khủng hoảng", đại tá Tâm cho biết.
Lý do tiếp theo là Nga muốn bày tỏ thiện chí trong đàm phán, vì căng thẳng leo thang khiến đối thoại dần lâm vào bế tắc và tình trạng "hòn bấc quăng đi, hòn chì ném lại" sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, dẫn đến đổ vỡ khó có thể cứu vãn.
"Nga, Ukraine, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và thậm chí là Mỹ đều hiểu điều này. Tuy nhiên, Mỹ vẫn cố đưa ra những cảnh báo không đúng với tình hình thực tế, nhằm kích động mâu thuẫn, hù dọa Ukraine và gây căng thẳng để dùng NATO vây chặt Nga hơn nữa", ông Tâm nói.
Tuyên bố rút quân cũng là "đòn đáp trả khó đỡ" nhằm vào cáo buộc mà một số hãng tin phương Tây dẫn lời các quan chức giấu tên cho rằng Nga sẽ mở chiến dịch tấn công Ukraine vào ngày 15/2, khi mặt đất ở biên giới Nga - Ukraine đóng băng hoàn toàn, cho phép các phương tiện cơ giới quân sự di chuyển dễ dàng hơn.
Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc này, cho rằng chúng là sản phẩm của "cỗ máy tuyên truyền" phương Tây. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova còn cho rằng quyết định rút quân hôm nay khiến "cỗ máy tuyên truyền chiến tranh của phương Tây thất bại thảm bại mà không cần một phát súng nào".
"Động thái lui binh của Nga đã trả lời cho câu hỏi 'ai muốn hòa bình, ai thích chiến tranh'", đại tá Tâm nhận định, cho rằng nó trái ngược với những cảnh báo liên tiếp gần đây của Mỹ về một "cuộc xâm lược cận kề", cùng những động thái khiến dư luận lo sợ như đóng cửa đại sứ quán, liên tiếp điều thêm quân tới châu Âu.
Ông cho rằng những thông điệp như thể chiến tranh sắp xảy ra của Mỹ góp phần không nhỏ khiến hàng chục nhà tài phiệt, giới tinh hoa Ukraine tháo chạy ra nước ngoài. Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đã lên tiếng chỉ trích những tài phiệt rời đất nước, cho rằng đây là hành vi "tuyên án cho chính họ".
"Những hành động như vậy của giới tài phiệt có thể gây thiệt hại lớn, buộc Ukraine phải tiếp tục đàm phán với Nga và xem xét nghiêm túc khởi động đàm phán với phe ly khai ở Lugansk và Donetsk theo Thỏa thuận Minsk nhằm giải quyết vấn đề cốt lõi của căng thẳng", ông Tâm nói.
Theo chuyên gia này, căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine vừa qua "bị truyền thông phương Tây thổi phồng", trong khi tình hình trên thực tế vẫn không có gì khác biệt. Chính phủ Ukraine đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi phương Tây không lan truyền những thông tin gây hoảng loạn, đồng thời yêu cầu trình bằng chứng về "nguy cơ Nga tấn công".
Trong một cuộc khảo sát của truyền thông nhà nước Ukraine về khả năng nổ ra chiến tranh với Nga, 89% người được hỏi trả lời đây là chuyện bịa đặt. Cũng trong cuộc khảo sát này, 8% người được hỏi tin vào câu chuyện "Nga sắp tấn công" trên truyền thông phương Tây, trong khi 92% nói đây là tin thất thiệt làm xáo trộn đời sống xã hội Ukraine.
"Động thái rút bớt lực lượng của Nga chắc chắn tác động tích cực đến thúc đẩy đàm phán, đặc biệt là với Ukraine. Sau vài tháng căng thẳng, người dân Ukraine lẫn chính khách nước này phải xem xét lại lập trường của mình, nhất là quan điểm 'nước xa không cứu được lửa gần'", đại tá Tâm nói.
Bởi vậy, cuộc khủng hoảng có thể là cơ hội để người dân Ukraine nhận ra rằng thông điệp "cận kề chiến tranh" mà Mỹ thường xuyên đưa ra không nhằm mục đích trấn an hay bảo vệ Kiev, mà chỉ nhằm gia tăng sức ép với Moskva, phục vụ lợi ích an ninh của Washington.
Ông cảnh báo sau khi kinh tế lao đao vì đại dịch Covid-19, một cuộc chiến tổng lực sẽ là "giọt nước làm tràn ly" khiến châu Âu lâm vào khủng hoảng tồi tệ về mọi mặt. "Chắc chắn dân châu Âu, kể cả Nga và Ukraine, đều không muốn điều này xảy ra và hành động rút quân của Nga đã thể hiện được điều đó", chuyên gia nhấn mạnh.
Xem thêm:
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Ba tháng khủng hoảng Nga - Ukraine tăng nhiệt
Nguyễn Tiến