Vào thời điểm đó, mặt trận tại châu Âu đang dần khép lại. Nhiều khu vực bị phát xít Đức xâm chiếm đã được quân Đồng minh và Liên Xô giải phóng. Phe Đồng minh tin rằng việc kiểm soát Okinawa đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng tại mặt trận Thái Bình Dương.
Okinawa là đảo lớn nhất trong quần đảo Ryukyu, nằm ở phía nam Nhật Bản và chỉ cách đất liền gần 565 km. Lực lượng Đồng minh đánh giá họ không thể tiến vào đất liền Nhật Bản thành công nếu không chiếm được các sân bay trên đảo này. Trận Okinawa diễn ra dựa trên nhận định đó, với quy mô đổ bộ lớn nhất mặt trận Thái Bình Dương.
Các tướng lĩnh phe Đồng minh căn dặn binh sĩ sẵn sàng cho một cuộc tấn công dữ dội vào quân Nhật phòng thủ trên đảo. Tuy nhiên, khi hơn 500.000 lính Đồng minh đặt chân lên Okinawa vào ngày 1/4/1945, họ không chạm trán với bất cứ lính Nhật nào phòng thủ ở bờ biển, mà chỉ có thường dân.
Trên thực tế, Nhật Bản coi những cư dân Okinawa như "công dân hạng hai" và họ đã phải trả giá để bảo vệ quê hương. Ước tính 40.000-150.000 dân thường đã thiệt mạng trong Trận Okinawa, bao gồm nhiều thanh niên được tuyển mộ để chiến đấu.
Những lính Đồng minh đầu tiên đến Okinawa mất vài ngày để nhận ra rằng quân địch đang ẩn náu. Trung tướng Mitsuru Ushijima, chỉ huy lực lượng phòng thủ Nhật ở Okinawa, đã bố trí các ổ súng máy trong những hầm đá trên đồi. Họ âm thầm chờ đợi, bảo toàn lực lượng pháo binh cho cuộc chiến tại tuyến phòng thủ Shuri phía bên kia hòn đảo.
Trong những ngày đầu tiên đổ bộ, Tập đoàn quân số 10 thuộc quân đội Mỹ quét qua vùng trung nam Okinawa khá dễ dàng. Tướng Simon Bolivar Buckner, chỉ huy lực lượng, ngay lập tức triển khai giai đoạn tiếp theo là chiếm Lâu đài Shuri phía bắc Okinawa.
Trên đường tới địa điểm này, quân Mỹ đối mặt với cuộc tấn công tại vách núi Maeda, hay thường được biết đến với tên đỉnh Hacksaw, vào ngày 26/4. Trận chiến tại đây để lại những hậu quả thảm khốc cho cả hai bên. Trong trận chiến, bác sĩ quân y Desmond Doss đã cứu mạng 75 lính Mỹ bị thương bằng cách liên tục bò suốt 12 tiếng kéo từng người đến rìa vách núi và thả họ xuống nơi an toàn chỉ với một sợi dây thừng.
Trải qua một loạt cuộc chiến khác tại những địa điểm như đỉnh Kakazu, đồi Sugar Loaf hay đỉnh Horseshoe, khiến hai bên đều chịu thương vong lớn, lực lượng Mỹ cuối cùng cũng tiếp cận được Lâu đài Shuri, mở đầu cuộc chạm trán kéo dài gần hai tháng.
Ban đầu, Shuri dường như sẽ đóng vai trò là thành trì cuối cùng của lực lượng Nhật Bản trên đảo Okinawa. Tuy nhiên, ngày 21/5/1945, tướng Ushijima triệu tập một cuộc họp lúc nửa đêm trong hang động bên dưới lâu đài nhằm đề xuất các phương án hành động. Cuối cùng, các chỉ huy quyết định rút lui sâu hơn về phía nam.
Điều này đã gây bất ngờ cho quân Đồng minh, bởi họ cũng ngỡ Shuri là điểm cuối cùng của trận chiến. Họ phát hiện những nhóm người đi về phía nam, nhưng mặc đồ trắng, màu sắc giúp xác định thường dân. Sau khi theo dõi quá trình di chuyển, lực lượng Đồng minh nhận ra rằng quân Nhật đang rút lui.
Ngày 29/5, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tiến hành tấn công và chiếm lâu đài Shuri, biểu tượng cho sức mạnh của Nhật Bản trên đảo Okinawa. Mặc dù yếu thế về quân số, lính Nhật vẫn một lòng trung thành và quyết chiến đến hơi thở cuối cùng, bao gồm những phi công cảm tử. Hơn 1.400 phi công cảm tử Nhật đã tham gia Trận Okinawa, lao máy bay xuống các tàu của Hạm đội 5 hải quân Mỹ, khiến 4.900 lính Đồng minh thiệt mạng và 4.800 người bị thương.
Đối với Nhật Bản, Trận Okinawa là lần đầu tiên trong Thế chiến II họ phải đối đầu với kẻ thù trên lãnh thổ của mình. Hầu hết người Nhật, bao gồm cả binh sĩ và người dân bản địa, đều tin rằng họ sẽ cầm chắc cái chết nếu rơi vào tay quân Đồng minh, nên lựa chọn tấn công tự sát thay vì chịu "nỗi nhục" thất bại.
Do đó, ngoài các phi công cảm tử, rất nhiều binh sĩ Nhật chọn cách tự sát bằng nghi thức seppuku, tự cầm kiếm đâm vào bụng, nhất quyết không đầu hàng. Ngay cả tướng Ushijima và tham mưu trưởng Isamu Cho của ông cũng tự sát vào ngày 22/6/1945, ngày cuối cùng của trận chiến mà họ không thể thắng.
Phía Mỹ cũng chịu tổn thất nặng nề, với cái chết của tướng Buckner và nhà báo Ernie Pyle, một phóng viên chiến trường nổi tiếng. Tổng cộng hơn 100.000 lính Nhật và 14.000 lính Đồng minh đã chết trong Trận Okinawa, cùng hơn 65.000 người khác bị thương.
Sau khi chiếm được Okinawa, tướng Mỹ Douglas MacArthur đã lên kế hoạch tiến vào các đảo chính của Nhật trong tháng 11 năm đó. Tuy nhiên, lo ngại ngày càng tăng về thiệt hại đối với quân Đồng minh đã dẫn tới một phương án khác.
Ngày 26/7/1945, phe Đồng minh ra Tuyên bố Potsdam, yêu cầu Nhật đầu hàng nếu không muốn đối mặt sự hủy diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, Kantaro Suzuki, thủ tướng Nhật khi đó, cho biết chính phủ của ông "không bận tâm" đến tối hậu thư này, bình luận bị tổng thống Mỹ Harry Truman đánh giá thiếu tôn trọng.
Lúc 8h15 ngày 6/8/1945, oanh tạc cơ B-29 Enola Gay của không quân Mỹ thả quả bom nguyên tử có tên "Little Boy" xuống thành phố Hiroshima của Nhật, ngay lập tức giết chết ít nhất 90.000 người, tàn phá 90% nhà cửa tại thành phố. Bất chấp đòn tấn công thảm khốc, đa số thành viên Hội đồng Chiến tranh Nhật Bản vẫn không muốn tuân thủ các điều khoản đầu hàng vô điều kiện.
Tình thế tuyệt vọng của Nhật càng tồi tệ hơn sau khi Liên Xô tấn công Mãn Châu, Trung Quốc, và áp đảo quân Nhật đồn trú tại đó. Ngày 9/8, Mỹ thả quả bom nguyên tử thứ hai có tên "Fat Man" xuống thành phố Nagasaki, ngay lập tức giết chết 70.000 người.
Ngày 2/9/1945, Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện trên chiến hạm USS Missouri của Mỹ, đánh dấu sự kết thúc Thế chiến II.
Ánh Ngọc (Theo ATI)