Đúng ngày này cách đây 73 năm, Mỹ ném quả bom nguyên tử Fat Man xuống thành phố Nagasaki, chỉ ba ngày sau khi hủy diệt thành phố Hiroshima bằng quả bom Little Boy, khiến tổng cộng 210.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik hôm qua, Kevin Kamps, chuyên gia về chất thải phóng xạ tại tổ chức Beyond Nuclear, hé lộ nhiều thông tin về thảm họa khủng khiếp này và kể về nỗi lo sợ của người Mỹ thời kỳ đó khi chứng kiến sức hủy diệt quá lớn của vũ khí hạt nhân.
Theo Kamps, ngay từ đầu năm 1945, Mỹ đã thành lập ủy ban đặc biệt để lựa chọn mục tiêu ném bom hạt nhân khi Nhật Bản không thể hiện ý định đầu hàng. Các báo cáo nhận định quân đội Nhật sẽ chiến đấu đến cùng, ngay cả khi hứng chịu thương vong lớn từ các đợt không kích của Mỹ.
Thành viên ủy ban tin rằng một quả bom nguyên tử có thể hủy diệt cơ sở hạ tầng và ý chí chiến đấu của Nhật Bản, giúp Mỹ và đồng minh không cần đưa bộ binh vào lãnh thổ nước này. Các thành phố như Kyoto, Hiroshima, Yokohama, Kokura, Niigata và cả thủ đô Tokyo được xác định là mục tiêu tiềm tàng. Đây đều là những đô thị lớn chưa bị oanh tạc bằng vũ khí thông thường.
Ngày 6/8/1945, quả bom hạt nhân có sức công phá 15 kiloton, tương đương 15.000 tấn thuốc nổ TNT, thả từ oanh tạc cơ B-29 "Enola Gay" xuống thành phố Hiroshima đã cướp đi ngay lập tức sinh mạng của 140.000 người trong tổng số 360.000 dân sống ở đây.
Đến ngày 9/8/1945, một chiếc B-29 khác hướng tới thành phố Kokura, mang theo quả bom "Fat Man" có sức công phá tới 21 kiloton. Thời tiết xấu buộc tổ lái từ bỏ mục tiêu ban đầu, chuyển sang ném bom thành phố Nagasaki và khiến 70.000 người chết ngay sau vụ nổ.
Kamps cho rằng thương vong tại Nagasaki có thể khủng khiếp hơn rất nhiều nếu thời tiết mây mù không khiến tổ lái B-29 thả bom chệch khỏi khu vực trung tâm đông dân của thành phố.
Ban đầu, người Mỹ tỏ ra vui mừng khi có thể kết thúc Thế chiến II mà không phải mở một chiến dịch đổ bộ đẫm máu vào đất liền Nhật Bản. Tuy nhiên, niềm vui nhanh chóng biến thành nỗi sợ hãi, khi họ nhận ra rằng Mỹ cũng có thể hứng chịu hậu quả thảm khốc tương tự nếu nước khác cũng tấn công họ bằng vũ khí hạt nhân. "Điều này trở thành thực tế khi Liên Xô thử thành công bom nguyên tử vào năm 1949", Kamps cho biết.
Tài liệu lưu trữ của Mỹ cho thấy thiệt hại về nhân mạng trong vụ ném bom Nagasaki đã khiến Tổng thống Harry Truman bị sốc, do đây chỉ là mục tiêu thứ yếu so với thành phố Kokura, nơi mà quả bom hạt nhân thứ hai đáng lẽ được ném xuống.
Kamps cũng bác bỏ thông tin tuyên truyền cho rằng hàng triệu mạng sống của lính Mỹ đã được cứu nhờ hai quả bom hạt nhân này. Ông chỉ ra ước tính chính thức của Mỹ về thương vong trong tháng đầu tiên đổ bộ vào đất liền Nhật Bản là gần 50.000 người, chứ không phải một triệu người như đồn đại.
Theo ông, hai vụ ném bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki dường như nhằm gửi thông điệp răn đe, cho thấy Mỹ đang có lợi thế vượt trội về mặt quân sự và ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng từ Liên Xô sau Thế chiến II. Điều đó đã thúc đẩy Moskva nghiên cứu, phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó.
"Washington đã đầu tư hàng tỷ USD theo thời giá năm 1945 cho dự án bom nguyên tử. Cuộc tấn công Hiroshima và Nagasaki được coi là thử nghiệm thực tế, đồng thời giúp chính phủ Mỹ chứng minh việc theo đuổi vũ khí hạt nhân là chính đáng", Kamps nhận định.
Trong lễ tưởng niệm diễn ra ở Công viên Hòa bình Hiroshima hôm 6/8, Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết rằng Nhật Bản, quốc gia duy nhất trên thế giới đến nay bị tấn công bằng bom nguyên tử, sẽ tiên phong trong nỗ lực cắt giảm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
"Đất nước chúng ta sẽ vừa kiên trì nguyên tắc không sở hữu vũ khí hạt nhân, vừa nhẫn nại đóng vai trò là cầu nối giữa các quốc gia và đi đầu trong nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trong cộng đồng quốc tế", Abe nhấn mạnh.
Duy Sơn