Ngày 9/8/1945, oanh tạc cơ B-29 do thiếu tá Charles Sweeney phụ trách đã thả quả bom nguyên tử Fat Man có sức công phá 21 kiloton xuống thành phố Nagasaki, miền nam Nhật Bản. Quả bom nguyên tử đã quét sạch một khu vực rộng lớn, khiến hơn 74.000 người thiệt mạng trong năm 1945. Tới năm 1950, con số này là 140.000 người.
"Đồi Urakami đã biến mất hoàn toàn, những thi thể bị thiêu rụi, xương chất thành đống trên mặt đất và người dân bước vô hồn qua những đống đổ nát", tác giả Susan Southart mô tả cảnh tượng kinh hoàng về sức tàn phá của Fat Man khi lính Mỹ tiến vào Nhật Bản ngày 23/9/1945.
Trước đó chỉ ba ngày, Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima với sức công phá 13 kiloton, khiến 90.000 người thiệt mạng ngay sau đó, 90% nhà cửa ở thành phố bị phá hủy.
Những câu hỏi liên quan đến quyết định ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Harry Truman vẫn liên tục được đặt ra nhiều năm sau ngày định mệnh đó. Nhà báo nổi tiếng Edward R. Murrow năm 1958 đã hỏi Truman trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng: "Khi hai quả bom được thả, Thế chiến II đã gần kết thúc. Phải chăng đó là hệ quả từ việc tính toán sai lầm tiềm lực của Nhật Bản? Hay tình báo của chúng ta đã mắc sai sót trong vấn đề này?"
Truman phủ nhận cả hai giả thuyết trên. Ông hiểu chính xác mình đang làm gì. Trên thực tế, trong nhiều tháng trước đó, tình báo của phe Đồng minh đã báo cáo chính xác về mong muốn đầu hàng của Nhật Bản cũng như những giải pháp chấm dứt chiến tranh mà không phải sử dụng bom nguyên tử.
Ngày 6/7/1945, trong khi chuẩn bị cho Hội nghị Potsdam, Ủy ban Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tổng tham mưu Liên quân đã soạn thảo tài liệu tối mật "Đánh giá địch tình", trong đó có phần đánh giá về khả năng đầu hàng của Nhật.
"Các nhóm nắm quyền tại Nhật Bản hiểu rõ về tình thế quân sự vô vọng hiện nay và ngày càng mong muốn nhượng bộ để có hòa bình, nhưng vẫn cho rằng đầu hàng vô điều kiện là không thể chấp nhận. Phần lớn người dân Nhật coi thất bại hoàn toàn về mặt quân sự là điều có thể xảy ra. Việc Liên Xô tham chiến có thể thuyết phục được người Nhật về một thất bại hoàn toàn không thể tránh khỏi".
Truman tin rằng việc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện sẽ giữ cho Liên Xô tiếp tục tham gia vào phe Đồng minh, trong khi có thể trấn an cử tri và binh sĩ Mỹ rằng sự hy sinh của họ trong cuộc chiến sẽ được đền đáp bằng thắng lợi hoàn toàn, theo Mark Gallicchio, tác giả cuốn Unconditional (Vô điều kiện) nói về sự thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II.
Trong cuốn sách, Gallicchio nhận định quyết định ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki là kết quả của những tranh cãi trong chính sách đối nội của cả Mỹ và Nhật Bản.
Ở Mỹ, Truman cho rằng việc giải giáp quân đội của kẻ thù mới chỉ là bước khởi đầu và mục tiêu Mỹ hướng đến là củng cố nền dân chủ bên ngoài nước Mỹ. Việc buộc kẻ thù đầu hàng không điều kiện mới có thể tạo ra thay đổi "từ gốc đến ngọn".
Truman đã sử dụng Tuyên bố Potsdam để nhắc nhở người dân Nhật rằng nếu họ tìm cách kéo dài cuộc chiến, hậu quả sẽ càng thêm thảm khốc. Ông hiểu rõ rằng sự hợp tác của Hoàng gia Nhật Bản sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc giải giáp 5,5 triệu binh sĩ Nhật Bản.
Tuy nhiên, nhà cầm quyền Nhật lại không tỏ ra vội vã. Quân đội Hoàng gia Nhật Bản đã huy động một số lượng lớn binh sĩ để phòng thủ đất nước trong những ngày cuối của cuộc chiến, trong khi các chính trị gia lại hướng tới một thỏa thuận hoà bình do Liên Xô đứng ra làm trung gian.
Hơn nữa, do không nhận được sự bảo đảm về an toàn của bản thân, Nhật hoàng Hirohito ủng hộ việc tìm đến Liên Xô thay vì Mỹ.
Ngay cả khi quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống Hiroshima, Nhật hoàng Hirohito vẫn yêu cầu chính quyền Nhật Bản tìm kiếm sự nhượng bộ từ phe Đồng minh. Điều này cho thấy các nhà cầm quyền Nhật Bản lúc đó "dường như không chắc chắn họ đang làm gì", theo Gallicchio.
Khi quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagasaki, ảo tưởng của các lãnh đạo Nhật Bản về một thỏa thuận hòa bình "bốc hơi hoàn toàn".
Cuối cùng, Nhật hoàng quyết định can thiệp, phủ quyết các tướng quân đội theo chủ trương cứng rắn. Ông công bố một sắc lệnh mà Gallicchio đánh giá là "né tránh đến mức hài hước", bởi sắc lệnh hoàn toàn không đề cập tới những từ như "đầu hàng" hay "bị đánh bại".
Trong khi nhiều người dân Nhật Bản cảm thấy hoang mang và thất vọng, họ vẫn chấp nhận sắc lệnh của Nhật Hoàng và "chịu đựng cả những điều không thể chịu nổi". Trong khi đó, một vài sĩ quan Nhật Bản đã quyết định tự sát trong thời khắc được coi là "ngày dài nhất của Nhật Bản".
Bởi vậy, Đô đốc William D. Leahy đã chỉ trích rằng với việc ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, Mỹ đã "chấp thuận một chuẩn mực đạo đức tương tự những kẻ man rợ trong những kỷ nguyên tăm tối". Ngay cả Bảo tàng Quốc gia của Hải quân Mỹ tại thủ đô Washington cũng thừa nhận những quả bom nguyên tử "hầu như không có tác động gì đến quân đội Nhật Bản".
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, việc Liên Xô đưa quân vào Mãn Châu đã tác động rất lớn đến quyết định của Tổng thống Truman. Các nhà sử học đánh giá rằng Truman đã bị ám ảnh bởi Liên Xô ngay từ ngày đầu nhậm chức 13/4/1945. Các cố vấn của Truman đã hối thúc ông cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để thách thức hành động của Liên Xô ở châu Âu.
James Byrnes, ngoại trưởng của Tổng thống Truman từ đầu tháng 7/1945 và cũng là cố vấn thân cận nhất của ông ngay trong những ngày đầu nắm quyền, và tướng Leslie Groves, người đứng sau Dự án Manhattan phát triển bom nguyên tử cho Mỹ, đều cho rằng Liên Xô mới là mục tiêu chính của dự án này. Thậm chí, vào cuối tháng 5/1945, Byrnes còn khẳng định bom hạt nhân là cần thiết để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Âu.
Trong khi đó, tướng Groves từng chia sẻ với Joseph Rotblat, nhà vật lý học sau này rời bỏ Dự án Manhattan, hồi tháng 3/1944 rằng: "Ông có nhận ra mục đích chính của dự án này là đánh bại người Nga không". Trong một dịp khác, Groves khẳng định: "Chưa lúc nào trong vòng hai tuần kể từ khi tôi nắm dự án này, tôi không coi Liên Xô là kẻ thù và dự án này được tiến hành vì lý do đó".
"Một số nghiên cứu chỉ ra rằng Mỹ muốn thử bom nguyên tử để phô trương sức mạnh và giành lợi thế về ngoại giao thời hậu Thế chiến II", Sumiteru Taniguchi, người may mắn sống sót sau khi hai quả bom nguyên tử của Mỹ được thả xuống Hiroshima và Nagasaki, viết trong cuốn hồi ký của mình.
Taniguchi cũng khẳng định "vũ khí hạt nhân là vũ khí huỷ diệt" và khi ông mất vào tháng 8/2017, đúng 72 năm sau sự kiện kinh hoàng đó, sự giận dữ của ông vẫn chưa nguôi ngoai.
"Hãy để Nagasaki là nơi hứng chịu quả bom hạt nhân cuối cùng, hãy để chúng tôi là những nạn nhân cuối cùng của vũ khí hạt nhân. Hãy để tiếng nói đòi xóa bỏ vũ khí hạt nhân lan tỏa khắp toàn cầu", Taniguchi viết trong đoạn cuối hồi ký của mình.