Ngày 27/8, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Quyên, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết gần đây bệnh viện điều trị một bệnh nhân nữ 68 tuổi bị ngộ độc thuốc ngủ, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, nhịp tim không đều.
Bệnh nhân được bác sĩ rửa dạ dày, truyền dịch tĩnh mạch để ngăn ngừa mất nước và ổn định các chức năng, thoát nguy kịch. Người nhà chia sẻ bệnh nhân đang trong quá trình hồi phục sau đột quỵ. Bác sĩ nhận định có thể những tổn thương tâm lý và di chứng trên thể chất sau đột quỵ là nguyên nhân khiến người bệnh thực hiện hành động tiêu cực.
Theo bác sĩ Quyên, ngoài những di chứng có thể nhìn thấy trên cơ thể, như yếu liệt, mất thăng bằng, méo miệng, hạn chế ngôn ngữ, vận động... thì đột quỵ còn gây ra những di chứng nghiêm trọng về tâm lý cho người bệnh. Sự thay đổi cảm xúc ở người bệnh sau đột quỵ được chia thành 4 nhóm.
Trong đó, thường gặp và nghiêm trọng nhất là tình trạng trầm cảm, thậm chí có ý định tự sát. Đây là rối loạn khí sắc thường gặp nhất sau đột quỵ. Theo thống kê, có khoảng 30% người bệnh đột quỵ còn sống phải trải qua giai đoạn trầm cảm trong năm đầu tiên. Trong khi đó hơn 50% trong số này không được chẩn đoán hay điều trị. Những trường hợp này đa phần người bệnh và gia đình không nhận ra dấu hiệu trầm cảm vì quá chú tâm vào việc chăm sóc các thiếu hụt về chức năng nhìn thấy được về vận động.
Trầm cảm là yếu tố làm hạn chế khả năng phục hồi chức năng cũng như làm tăng nguy cơ tử vong gấp 10 lần ở người bệnh đột quỵ. Họ dễ bị mất động lực để theo đuổi quá trình điều trị phục hồi lâu dài, khiến đột quỵ có nguy cơ tái phát. Nếu trầm cảm ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể có những ý định, hành động nguy hiểm gây hại cho bản thân, như tự sát.
Rối loạn lo âu hoặc rối loạn hoảng loạn: Khoảng 25% người bệnh đột quỵ và thiếu máu não thoáng qua bị rối loạn lo âu trong 5 năm đầu sau khi bệnh khởi phát. Ban đầu, những cơn lo lắng chỉ xuất hiện với tần suất vừa phải. Nếu không được phát hiện và điều trị thích hợp, cơn lo lắng có thể tiến triển thành những cơn rối loạn hoảng loạn kịch phát từng đợt kèm với những triệu chứng toàn thân như co quắp tay chân, thở nhanh và nông,..
Rối loạn cảm xúc giả hành: Tỷ lệ mắc rối loạn cảm xúc giả hành tăng cao ở những người bệnh tái phát đột quỵ nhiều lần. Đặc trưng của tình trạng này là sự bộc phát cảm xúc không phù hợp với hoàn cảnh. Chẳng hạn, người bệnh có thể cười trước sự việc buồn hoặc ngược lại, có thể khóc trước điều gì đó vui nhộn.
Các thay đổi cảm xúc khác: Sau đột quỵ, người bệnh có thể có những sự thay đổi về tính tình như dễ bực bội hơn, thiếu kiên nhẫn, tự ti, mặc cảm và sống nội tâm hơn. Nỗi lo sợ dựa dẫm, làm phiền người thân do mất đi khả năng hoạt động độc lập có thể là căn nguyên cho những thay đổi cảm xúc này.
Trường hợp không được cải thiện kịp thời và đúng cách, những tổn thương tâm lý có thể khiến người bệnh mất nhiều thời gian để phục hồi, mất chức năng nặng hơn những khiếm khuyết vốn có, thậm chí là tăng nguy cơ tái phát đột quỵ. Từ đó cản trở quá trình hội nhập cuộc sống của người bệnh sau đột quỵ, bác sĩ Quyên cho hay.
Trải qua cơn đột quỵ, người bệnh đột quỵ thường phải đối mặt với hàng loạt di chứng trên cơ thể và cần nhiều thời gian để phục hồi, hoặc không thể phục hồi. Điều này ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống của người bệnh, thậm chí đảo ngược hoàn toàn các thói quen cùng vai trò trong gia đình và xã hội của họ. Từ đó, sự tự tin của họ dần bị mài mòn, trở thành sự mặc cảm khi phải sống phụ thuộc, tự ti về bản thân. Khi không thể vượt qua được những cảm xúc này trong thời gian dài sẽ hình thành bệnh trầm cảm.
Những dấu hiệu nhận biết trầm cảm đặc trưng là người bệnh thường thấy buồn chán, suy sụp, không còn thấy niềm vui, động lực và năng lượng sống. Thay vào đó là cảm giác mất giá trị bản thân, mất tự tin hoặc tội lỗi vì thấy mình là gánh nặng của người thân, thấy vô vọng vào tương lai. Cùng với đó, người bệnh có thể bị giảm khả năng tập trung hoặc đưa ra các quyết định, mất hứng thú vào những việc trước đây mình rất yêu thích. Họ không muốn ra ngoài, tránh giao tiếp xã hội, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, chán ăn hoặc ăn quá nhiều.
Đặc biệt, dấu hiệu báo động người bệnh phải đến gặp bác sĩ ngay đó là luôn cảm thấy tuyệt vọng, có ý định tự sát. Cụ thể, bệnh nhân thấy mất đi hoàn toàn hy vọng sống, thấy chán chường, vô vọng, cảm thấy gần như không thể chịu đựng nổi sự quá tải của các suy nghĩ tiêu cực; thường xuyên nghĩ đến cái chết hoặc cảm thấy đau khổ này không thể kết thúc; hoặc thấy đây là "nghiệp" mà mình phải gánh, là sự trả giá cho những sai lầm trong quá khứ.
"Cảm giác tội lỗi đè nén chất chồng khiến họ cảm thấy cái chết của mình sẽ giải thoát cho gia đình và chính mình", bác sĩ Quyên nói.
Để quá trình phục hồi tổn thương tâm lý ở người bệnh đột quỵ đạt được hiệu quả, chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là người bệnh phải cố gắng tự cứu mình, tiếp đến là sự hỗ trợ từ người nhà và người thân xung quanh.
Với người bệnh, nên xây dựng và duy trì một đời sống năng động, tạo điều kiện để người bệnh tham gia các hội nhóm, gặp gỡ với những người xung quanh để lấy lại niềm vui và động lực sống. Bên cạnh đó, cần động viên người bệnh chia sẻ về những vấn đề về sức khỏe tinh thần của mình. Thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng giúp thư giãn cơ thể và tinh thần, như đọc sách, nghe nhạc, chăm sóc cây cối, thú cưng...
Tâm lý mặc cảm, tự ti về bản thân ở người bệnh đột quỵ là rất lớn, dẫn đến sự nóng nảy, cáu bẳn. Người thân nên đồng hành cùng người bệnh, chia sẻ, đồng cảm và khen ngợi, động viên khi người bệnh có sự cải thiện. Sự thông cảm và chia sẻ chính là liều thuốc tinh thần tốt nhất giúp người bệnh lạc quan và phối hợp điều trị phục hồi tốt hơn. Trường hợp phát hiện người bệnh có dấu hiệu rối loạn cảm xúc, trầm cảm nặng người nhà cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời, tránh các hành vi tiêu cực.
Thư Anh