Theo bác sĩ chuyên khoa hai Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Cơ sở 3, đột quỵ là nguyên nhân thường gặp nhất gây khuyết tật trầm trọng ở người lớn. Trên toàn cầu, chỉ có 15-30% người bệnh sống sót sau đột quỵ có thể độc lập về chức năng và khoảng 40-50% độc lập một phần. Điều này có nghĩa, dù may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, mất khả năng lao động, tự chăm sóc..., gây ra gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Mức độ và phạm vi ảnh hưởng của đột quỵ là không giống nhau ở mỗi trường hợp, tùy thuộc vào mức độ tổn thương, khả năng hồi phục, giai đoạn bệnh, điều trị y tế được thụ hưởng... Ngoài những tác động tiêu cực lên thể chất, khiến cơ thể yếu liệt, mất thăng bằng hoặc khó kiểm soát đại tiểu tiện... thì đột quỵ còn gây ra một hoặc nhiều những di chứng nghiêm trọng về nhận thức, cảm xúc, tâm lý cho người bệnh, bác sĩ Vũ cho biết.
Nhiều bệnh nhân đột quỵ bị suy giảm nhận thức. Điển hình như mất ngôn ngữ, ví dụ họ thường xuyên nhầm lẫn từ, khó nói, khó đọc viết, thậm chí khó hiểu lời nói của người khác. Một số người bệnh khác bị mất trí nhớ. Bệnh nhân có thể khó nhớ từ ngữ biểu đạt, tên tuổi của chính mình, hoặc khuôn mặt người thân, quên các tuyến đường dù rất quen thuộc hay các sự kiện gần đây hoặc thông tin mới.
Bệnh nhân cũng có thể nhầm lẫn giữa các cảm giác, như nóng và lạnh. Riêng những trường hợp bị sa sút trí tuệ mạch máu sau đột quỵ có thể gặp khó khăn khi đưa ra quyết định, lập kế hoạch và suy luận.
Vì chấn thương não có thể làm chậm hoặc làm giảm khả năng xử lý thông tin và giao tiếp của người bệnh, nên những việc rất đơn giản như làm theo chỉ dẫn, nghe hiểu, đọc viết có thể trở thành nhiệm vụ lớn với bệnh nhân đột quỵ. Với nhiều người, những khó khăn bực bội này sẽ giảm bớt khi chữa bệnh và trị liệu, nhưng với một số người, chúng sẽ dai dẳng, bác sĩ Vũ nhận định.
Bên cạnh đó, các di chứng đột quỵ lên tâm lý, cảm xúc cũng rất khó nhận biết và trở thành thách thức trong quá trình phục hồi. Nhiều năm khám chữa bệnh, bác sĩ Vũ nhận thấy cứ ba người đột quỵ thì một người bị trầm cảm. Dấu hiệu trầm cảm bao gồm cảm giác buồn bã, tuyệt vọng hoặc bất lực, cáu kỉnh, chán ăn, không muốn ngủ... xuất phát tình trạng tàn tật của bản thân. Nếu không được điều trị kịp thời, chứng trầm cảm cực độ có thể kéo dài đến ba năm sau đột quỵ, ảnh hưởng đáng kể đến mọi khía cạnh của cuộc sống, thậm chí có trường hợp nghĩ đến tự vẫn.
Sau cơn đột quỵ, cảm giác lo lắng, sợ hãi cũng là một phản ứng điển hình ở người bệnh. Khi nỗi sợ hãi và lo lắng trở nên liên tục và quá tải, chúng có thể dẫn đến suy nhược thần kinh, làm cản trở quá trình hồi phục đột quỵ.
Theo bác sĩ Vũ, có tới 50% nạn nhân đột quỵ cho biết họ trải qua rối loạn cảm xúc tại một số thời điểm, với mô tả là "không kiểm soát được cảm xúc". Rối loạn này có thể biểu hiện dưới dạng những đợt bùng nổ cảm xúc không thể kiểm soát, bao gồm tiếng cười cuồng loạn, hoặc nước mắt tuôn trào, song diễn ra trong bối cảnh xã hội không phù hợp.
Người thân có thể quan sát thấy những cảm xúc không đặc trưng của người bệnh hoặc nhận ra cảm xúc chu kỳ qua nhanh chóng (tức là khóc một phút rồi cười sau đó) mà không có lý do rõ ràng. Nguyên nhân của tình trạng này là não bị tổn thương do đột quỵ. Vì vậy, tình trạng này sẽ cải thiện, tự khỏi theo thời gian khi não lành lại. Trường hợp di chứng nghiêm trọng, ức chế sự hồi phục thì người bệnh cần được thăm khám và cho dùng thuốc điều trị rối loạn cảm xúc.
"Có di chứng sẽ phục hồi được nhưng cũng có di chứng tồn tại lâu dài. Không đột quỵ sẽ không di chứng. Tốt nhất chúng ta nên kiểm soát các nguy cơ gây bệnh như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, xây dựng lối sống lành mạnh, từ bỏ rượu bia, thuốc lá...", bác sĩ Vũ nói.
Thư Anh