Tôi đến Tokyo từ 29/2, tức ba ngày trước raceday, để làm quen thời tiết vì nhiệt độ ở Tokyo tháng 3 khá lạnh, tầm 1 độ vào đêm và 6-8 độ ban ngày. Trời lạnh khô, có nắng.
Bên cạnh hai lần chạy shakeout, tôi dành một buổi chiều để đi Expo và lấy bib. Expo đặt ở tại một trung tâm triển lãm ở ngoại ô thành phố, cách điểm xuất phát khoảng 10 km. Khác với Expo thường thấy ở các giải chạy tại Việt Nam, Expo của Tokyo Marathon gồm hai tầng, đầy gian hàng, là nơi buôn bán tấp nập đồ chạy, đồ lưu niệm cho runner và khách thăm quan.
Khu lấy bib chia thành từng quầy, có trên 22 quầy. Trong email thông báo tới runner, họ đã chia line nhận bib. Tôi ở line 17 trong tổng số 22 line. Túi race-kit chỉ có bib, sách giới thiệu (handbook) về Tokyo Marathon, tờ rơi hướng dẫn xem ảnh khi kết thúc giải, các thông tin quảng cáo của nhà tài trợ, tuyệt nhiên không thấy sản phẩm của nhà tài trợ. Nếu bạn đã quen nhận race-kit đủ vật phẩm ở VnExpress Marathon hay nhiều giải chạy khác tại Việt Nam, tới đây, bạn sẽ thấy hẫng hụt. Nếu bạn đã đăng ký gửi đồ, họ sẽ phát thêm 1 túi nilon riêng của giải và 1 tấm sticker to, trên đó in sẵn tên, số bib, quầy gửi đồ, giỏ đựng đồ.
Sau khi lấy bib, runner được điều hướng ra khu expo dành cho các nhà tài trợ VIP. Khu này trên tầng hai của triển lãm, gồm các booth to, trong đó, booth to nhất thuộc về Asics - thương hiệu trang phục thể thao Nhật Bản. Họ trưng bày, giới thiệu và cho đi thử dòng giày mới Metaspeed Paris. Họ cũng bố trí một khu bán đồ thể thao lưu niệm gắn logo Tokyo Marathon. Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày mở cửa, khu này đã "cháy hàng". Runner và khách thăm quan "càn quét" hết mọi tủ đồ bán áo phông, áo khoác, quần thể thao.
Sau khi đi hết tầng 2, runner mới thấy đường xuống tầng 1, nơi bán hàng của các brand khác. Có gel, muối, giày, các thể loại thanh năng lượng, quần áo, tất các loại phục vụ race. Ai quên mang cái gì, đến đây có đủ hết. Runner và khách thăm quan khi về đều "tay xách nách mang".
Vào ngày race 3/3, giờ xuất phát là 9h, nhưng từ 7h30, tôi đã rời khách sạn, đi bộ ra cổng gửi đồ cách đó tầm 1 km. Handbook được phát cho từng runner có đủ thông tin về cửa xuất phát dành cho mỗi cổng. Bản đồ hơi khó xem, và khó hình dung, nhất là khi bạn không phải là người ở Tokyo, nên ban đầu tôi có chút lo lắng. Tuy nhiên, khi đi tới địa điểm, tình nguyện viên ở khắp nơi. Họ được huấn luyện rất chuyên nghiệp. Các cổng phân biệt bằng màu bib. Tình nguyện viên chỉ cần nhìn màu bib là biết runner ở cổng nào. Do đó nếu đi sai, họ sẽ chặn và hướng dẫn lại. Tình nguyện viên rải khắp đường, cứ một mét có một người.
Người Nhật siêu tỉ mỉ và chi tiết. Họ lên kế hoạch luôn đường đi nước bước của runner để tiện nhất cho người chạy và người vận hành. Trên bib có số xe tải gửi đồ và số giỏ đựng đồ của vđv. Túi nilon đựng đồ có dán sticker đánh số sẵn. Khi nhận, tình nguyện viên chỉ cần nhìn số trên bib và trên túi giống nhau, bỏ vào giỏ có số giống in trên túi và bib. Vậy là xong. Khi trao trả túi, quy trình ngược lại, không chen lấn xô đẩy, rất tiện.
Vì có 38.000 VĐV, ban tổ chức sử dụng 5 con phố xung quanh start-line để VĐV xếp hàng. Toilet di động xếp thành hàng khắp nơi, mỗi phố khoảng 20 đến 30 cái, do tình nguyện viên điều phối. Người xếp hàng sử dụng dài tới cả mét.
Do trời lạnh, thời gian chờ ở pen xuất phát lâu, runner sử dụng đủ hình thức giữ ấm. Trong handbook có lưu ý là quần áo cởi ra ở startline sẽ được tập hợp 2 bên vệ đường để sử dụng vào mục đích từ thiện, do đó nhiều bạn mặc nguyên áo khoác dày, quần dài. Khi gần đến 9h (gun-time), họ mới cởi bỏ. Nhiều bạn mặc áo mưa, thậm chí mặc nguyên cái túi nilon, chỉ khoét cái lỗ để chừa đầu ra.
Súng lệnh xuất phát nổ, đoàn người háo hức vỗ tay hò reo, rồi nhúc nhích bước chậm theo chỉ dẫn của tình nguyện viên. Từ pen K của mình tới vạch xuất phát, tôi phải đi bộ khoảng 30 phút. Nhưng thời gian 30 phút đấy cảm giác trôi qua rất nhanh, vì háo hức, hồ hởi.
Ban tổ chức không bố trí trạm nước trong 4 km đầu tiên, runner phải chờ đến km thứ 5 để tiếp nước. Họ phân thành 2 loại nước rõ rệt để runner không bị nhầm: 9 trạm đầu là nước điện giải; chạy một lúc tầm 500m mới tới 9 trạm nước suối. Từ km thứ 10 trở đi, cứ 2,5 km lại có một trạm nước.
Khác với mô tả trước đây về người Nhật là trầm lắng, các race họ cổ vũ trong im lặng, tôi cảm nhận khác hẳn. Người dân đổ ra 2 bên đường xem đoàn chạy, cổ vũ nhiệt tình, tưng bừng. Tokyo Marathon là thành viên của hệ thống sáu giải chạy lớn, danh giá nhất hành tinh World Marathon Majors, bên cạnh các giải ở Boston, Chicago, New York, Berlin và London. Vì thế, người Nhật xem đây như một sự kiện văn hóa - thể thao quốc gia. Họ tổ chức các show diễn trên đường phố để cổ vũ VĐV, từ dàn nhạc giao hưởng, đến múa dân vũ cổ truyền của các cô, các bác, đến biểu diễn nghệ thuật của các em học sinh và cả các tiết mục cheer-up của các hoạt náo viên. Tôi chạy chậm, nên thấy đi race như vậy không bị chán. Các runner đồng tốc với tôi cũng rất hứng thú với cuộc đua.
Các đoạn chụp ảnh của Tokyo Marathon được bố trí khá xa nhau, không nhiều và ồ ạt như race ở nhà mình. Mỗi nhiếp ảnh gia có một tình nguyện hỗ trợ, cầm tấm biển có máy ảnh to đùng giơ lên báo hiệu "đây có chụp ảnh" và liên tục kêu gọi mọi người tạo dáng. Máy quay được sắp xếp thành từng trạm, ở một số ngã tư và có khoảng 4 trạm video với camera hoành tráng. Một số điểm ở trung tâm có màn hình khổng lồ đang truyền hình trực tiếp, để runner chạy qua thấy mình luôn trong đấy, không khí rất hào hứng. Ảnh sau khi chụp không miễn phí, không có ngay mà sau 6 ngày. Họ bán với giá khoảng 17 USD/ảnh.
Đích đến nằm ở quảng trường trước ga tàu điện trung tâm Tokyo. Hai bên đường gần đích, người thân của VĐV đứng đông kin kít, giương cờ và bảng ghi tên người thân của mình. Họ hò reo cổ vũ: "You’re champion", "You’re gonna finish"... Rất mệt khi vào khoảng 1km cuối của cự ly 42km, nên các runner như được bơm thêm doping từ những lời hò reo động viên nhiệt tình như vậy. Ai cũng cấm đầu cắm cổ chạy về đích, chẳng ai muốn đi bộ.
Sau vạch đích, runner vỡ òa cảm xúc vì đã hoàn thành cuộc đua. Tình nguyện viên phải liên tục nhắc "Keep walking, don’t stop" vừa để không bị nghẽn đường, vừa để giúp runner, sau cuộc đua cường độ cao, không bị sốc vì dừng lại đột ngột. Sau khoảng 200-300m đi bộ, runner mới đến chỗ nhận medal, rồi đi bộ tiếp một quãng ngắn hơn để quầy phát nước. Mỗi người chỉ được 1 chai nước 300ml, xin thêm không cho. Mỗi người 1 gói lạc, rồi bánh gì đó. Sau khi trả chip time gắn trên bib, đi thêm một quãng nữa, thì được nhận áo finisher (là dạng áo choàng). Runner cũng rất thích áo này, vì nó là dạng signature của Tokyo Marathon. Hơn nữa, khi về đích đi bộ một lúc, ai cũng thấy lạnh, và cái áo trở nên rất hữu dụng lúc này. Trên các diễn đàn, runner đều bảo đi chạy để được lấy cái áo.
Tại ga tàu điện ngầm, trên đường phố, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh runner khoác áo Tokyo Marathon đi về. Họ rất tự hào. Người Nhật cũng rất tự hào với việc tổ chức giải, họ nhìn chúng tôi và luôn miệng nói: "Congratulations".
Tokyo Marathon không chỉ là một giải chạy, nó là một ngày hội thể thao và văn hóa của Nhật Bản. Nước bạn quảng bá hình ảnh Nhật ở từng ngõ ngách tới từng runner. Vận động viên đến được chào đón và cảm thấy hạnh phúc với việc được tham dự và tự hào với tấm huy chương major.
Độc giả Thanh Vân