Sputnik V đã được sử dụng rộng rãi ở Nga và chấp thuận ở hơn 70 nước khác. Sự chấp thuận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) có thể mở ra thị trường mới cho loại vaccine này.
"Quan điểm của Nga về việc quảng bá và đăng ký Sputnik V đã được lắng nghe. Các thắc mắc đã được giải quyết", ông Murashko nói. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nga đã thảo luận với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Geneva, về các thủ tục cần thiết để đăng ký vaccine.
Theo ông, công ty nộp đơn đăng ký cho WHO chỉ "phải ký tài liệu và nộp thêm một số giấy tờ bổ sung".
Nga lần đầu nộp đơn xin phê duyệt Sputnik V đến WHO hồi tháng 2, song vaccine vẫn chưa được đưa vào Danh sách Sử dụng Khẩn cấp (EUL). Hồi tháng 7, khi xem xét dây chuyền sản xuất Sputnik V, WHO phát hiện một số vấn đề trong khâu đóng lọ. Công ty kể từ đó đã giải quyết các mối quan ngại của WHO.
Sputnik V được điều chế theo công nghệ vector, sử dụng virus cảm lạnh vô hại để đưa các phần của nCoV vào cơ thể người, từ đó đào tạo hệ miễn dịch phát hiện và tiêu diệt mầm bệnh. Theo giới chức Nga, vaccine hiệu quả 91,6% trong thử nghiệm lâm sàng. Phân tích từ 3,8 triệu người tiêm chủng thực tế cho thấy Sputnik V hiệu quả 97,6%. Vaccine cũng đạt 100% khả năng bảo vệ chống triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng.
Nguồn cung vaccine cho thị trường toàn cầu do các đối tác của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) ở Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác sản xuất.
Sputnik V đã được Nga chuyển giao công nghệ đóng gói từ bán thành phẩm cho Việt Nam, tiến tới chuyển giao hoàn toàn công nghệ sản xuất. Từ ngày 24/9, công ty Vabiotech bắt đầu sản xuất Sputnik V với số lượng lớn để cung cấp cho chương trình tiêm chủng toàn dân. Đại diện Vabiotech cho biết quy mô sản xuất 5 triệu liều một tháng, dự kiến nâng lên 100 triệu liều một năm và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất hoàn toàn vaccine Sputnik V.
Chiều 29/9, RDIF cũng gửi thêm 740.000 liều về sân bay Nội Bài, Hà Nội. Đây là lô vaccine Sputnik V đầu tiên về Việt Nam sau chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, làm việc với lãnh đạo RDIF.
Thục Linh (Theo Reuters, Business Standard)