Sputnik Light được phát triển bởi Viện Gamaleya, hiệu quả 79,4% khi được cấp phép lần đầu hồi tháng 5.
RDIF, trích dẫn dữ liệu từ Bộ Y tế Paraguay được thu thập trước ngày 30/7 năm nay, cho biết vaccine "chứng minh hiệu quả cao đối với hơn 320.000 người đã tiêm".
Dữ liệu cũng chỉ ra rằng Sputnik Light có độ an toàn cao, không để lại tác dụng phụ nghiêm trọng. Theo tuyên bố của RDIF, hiện không xuất hiện trường hợp tử vong sau tiêm, không có các ca huyết khối tĩnh mạch não, hội chứng Guillain-Barre, tình trạng rò rỉ mao mạch hoặc viêm cơ tim. Đây là những phản ứng hiếm gặp sau khi tiêm vaccine AstraZeneca, Moderna, Pfizer hoặc Johnson & Johnson.
"Với cách tiếp cận thành công, hiệu quả tạo miễn dịch lâu dài và bền vững chống nCoV, RDIF đi đầu trong việc hợp tác với các nhà sản xuất vaccine để tiến hành nghiên cứu chung về việc kết hợp liều đầu vaccine Sputnik V với vaccine nước ngoài", RDIF cho biết.
Thử nghiệm tiêm trộn Sputnik Light và AstraZeneca, diễn ra ở Azerbaijan, cho thấy vaccine an toàn, không phát hiện tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc ca nhiễm nCoV sau tiêm, RDIF tuyên bố.
Sputnik Light là vaccine chỉ cần một liều tiêm để phòng Covid-19. Các vaccine Covid-19 hiện nay trên thế giới đều là vaccine hai liều tiêm, khoảng cách tiêm giữa liều một và liều hai tùy nhà sản xuất, có thể từ 4 tuần đến 12 tuần.
Kirill Dmitriev, giám đốc RDIF, cho biết: "Vaccine Sputnik Light với cơ chế một liều cho phép giới chức Paraguay tăng tốc tiêm chủng và đẩy nhanh quá trình tạo miễn dịch cộng đồng ở nước này và nhiều quốc gia khác. Sputnik Light có độ an toàn cao, một trong những vaccine hiệu quả nhất so với nhiều loại hai liều".
RDIF đã chuyển giao công nghệ và sản xuất 1,7 tỷ liều vaccine Sputnik V ở Ấn Độ, trong đó, khoảng 250 triệu liều dành cho nước này. Nếu Sputnik Light được chấp thuận ở Ấn Độ, số người được tiêm sẽ tăng gấp đôi.
Giống với Sputnik V, Sputnik Light dựa trên công nghệ vector. Cơ chế của nó là sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch. Vector là một virus thiếu đi đoạn gene giúp tái tổ hợp, tự nhân lên, được các nhà khoa học sử dụng để vận chuyển vật chất di truyền của một loại virus khác vào tế bào. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc tế bào T (tế bào miễn dịch) để tự bảo vệ.
Sputnik V là vaccine Covid-19 đầu tiên của Nga được nước này phê duyệt khi chưa qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, vào giữa năm ngoái.
Thục Linh (Theo Reuters)