Những người mà Matias Maia biết đều nói rằng Tổng thống Bolsonaro ghét người nghèo, không thích phụ nữ và xem thường vùng đông bắc nghèo và đông người da màu nhất ở Brazil. Nhưng giờ, người phụ nữ nghèo sống ở vùng đông bắc này lại mô tả khác về Bolsonaro. "Đấng cứu thế", cô nói.
Khi Covid-19 tấn công Brazil, khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa và giới chức kêu gọi người dân ở nhà, chính phủ đã lập tức trợ cấp 110 USD mỗi tháng cho nhóm cư dân nghèo nhất. Matias Maia, người có thể nuôi sống hai con nhờ số tiền này, hiểu mình phải đặt niềm tin vào ai.
"Tôi sẽ bầu cho Tổng thống Bolsonaro. Ông ấy đã giúp chúng tôi rất nhiều", cô nói.
Đây đáng lẽ phải là thời điểm khủng hoảng chính trị đối với Bolsonaro. Đại dịch mà ông xem là "cúm vặt" đã biến Brazil thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới, với hơn 3,6 triệu ca nhiễm và hơn 115.000 người chết, cũng như tàn phá hệ thống y tế của nước này. Nền kinh tế sụp đổ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng tới 14%. Tổng thống Bolsonaro cũng bị nhiều đồng minh quay lưng, hứng chỉ trích từ các nhà phê bình và vướng vào một số bê bối tham nhũng.
Tuy nhiên, cựu đại úy quân đội cánh hữu này lại đang nhận được sự ủng hộ cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống của ông.
Ngay cả ở thế giới chính trị khó đoán của Brazil, nơi các liên minh quyền lực rất mong manh và chính trị gia thường dễ vào tù, sự ủng hộ ngày càng tăng dành cho Tổng thống Bolsonaro là điều rất bất ngờ. Lần đầu tiên trong hơn một năm qua, số người ủng hộ ông nhiều hơn phản đối. Trong hai tháng qua, khi Covid-19 tiếp tục tàn phá Brazil, tỷ lệ ủng hộ của Bolsonaro đã tăng từ 32% lên 37%, theo cơ quan khảo sát Datafolha. Tỷ lệ phản đối đã giảm từ 44% xuống còn 34%.
Chỉ một tuần trước, nhiều người ở khắp các đảng phái chính trị đều kêu gọi luận tội Bolsonaro. Đồng minh thì cho rằng ông đang đưa đất nước vào "con đường tự sát". Bộ trưởng Tư pháp Sergio Moro từ chức và cáo buộc Tổng thống tham nhũng.
Ngay chính bản thân Bolsonaro dường như không mấy tin vào tỷ lệ ủng hộ của ông. "Đó là sự thật hoàn toàn, 50/50 hay là tin giả?", ông nói.
Mức độ ủng hộ ngày càng tăng cho thấy Covid-19 có thể tạo ra thay đổi về chính trị như thế nào. Bolsonaro, chính trị gia đắc cử Tổng thống năm 2018 với cam kết trấn áp tội phạm và tham nhũng, thường được xem là người theo chủ nghĩa dân túy. Ông là người nói năng tùy hứng và lớn lên tại một vùng quê nghèo ở bang Sao Paulo.
Nhưng ông chưa bao giờ là chính trị gia của người nghèo. Người ủng hộ ông phần lớn thuộc tầng lớn trung và thượng lưu. Tuy nhiên, trong đại dịch, tầng lớp ủng hộ của ông đã phát triển rộng hơn, gồm cả người nghèo. Họ là nhóm người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, nhưng họ đang nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ và đổi lại họ sẽ ủng hộ Tổng thống.
Trong đại dịch, Tổng thống Bolsonaro đã ưu tiên nền kinh tế hơn hầu hết các điều khác. Ông thúc giục doanh nghiệp mở cửa vì cho rằng cuộc sống phải tiếp tục, ngay cả khi nguy cơ tử vong rất lớn. Trong giới tinh hoa chính trị và truyền thông, ông vấp nhiều chỉ trích, nhưng người nghèo có xu hướng đồng tình với cách làm của ông. Nhiều người cho biết họ không thể sống nếu không làm việc.
"Họ nhận thấy cuộc chiến chống Covid-19 rất quan trọng, nhưng Brazil không đủ giàu có để có thể cách ly toàn xã hội", Esther Solano, nhà khoa học chính trị tại Đại học liên bang Sao Paulo, nói. "Đây là quốc gia nghèo và ông ấy muốn cho phép mọi người làm việc được xem là điều tích cực".
Solano thêm rằng Tổng thống Bolsonaro càng hành động ít thì càng thu nhiều thành quả. Những tuần gần đây, ông khá yên ắng. Tổng thống Brazil đã ngừng đả kích các nhánh khác của chính phủ, loại bỏ các thành viên chính quyền gây tranh cãi và làm việc để xây dựng liên minh quốc hội mới. Giọng điệu ôn hòa và gói cứu trợ đã giúp xóa đi "hình ảnh chính trị xấu" mà ông tự tạo ra, theo Solano.
"Thực tế là ông ấy đã trở nên mạnh mẽ hơn so với trước đại dịch", bà nói.
Không nơi nào ở Brazil có thể thấy rõ điều này hơn vùng đông bắc nghèo đói, khô cằn, nơi tỷ lệ phản đối Bolsonaro từng áp đảo. Khu vực này trước đây thường ít nhận được viện trợ khẩn cấp. Nhưng giờ đây ở nhiều bang, khoảng 60% hộ gia đình đã sớm nhận được khoản tiền này.
"Đây là số tiền lớn đối với họ", Yala Sena, biên tập viên của trang tin Cidade Verde ở bang kém phát triển Piaui, nói. "Số tiền trợ cấp này đã thúc đẩy rất nhiều hoạt động kinh tế ở đây. Nó giúp họ mua thực phẩm và các doanh nghiệp đã phát triển rất nhiều".
Guaribas, thành phố vùng sâu vùng xa ở bang Piaui và là một trong số nơi nghèo nhất ở Brazil, từng phản đối Tổng thống Bolsonora nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác ở quốc gia này. Cửa ngõ duy nhất vào thành phố là con đường đất dài hơn 40 km. Đất ở đây có quá nhiều cát nên gần như không thể phát triển nông nghiệp. Phần lớn cư dân trong số 4.500 người tại Guaribas mù chữ.
Chính vì điều kiện khó khăn này, cựu tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đã chọn đây là nơi thí điểm chương trình phúc lợi xã hội đầy tham vọng năm 2003. Trong suốt những năm sau đó, người dân không bao giờ quên điều này. Họ gần như mặc định ủng hộ cho bất kỳ ai thuộc đảng Lao động của ông Lula trở thành tổng thống. Năm 2018, 98% cử tri ở đây bỏ phiếu phản đối Bolsonaro.
Nhưng giờ nhiều người đang thay đổi quan điểm.
"Bạn không thể đóng cửa mọi thứ", Ira Alves, công nhân 30 tuổi ở Guaribas, nói. "Cuộc sống không thể dừng lại ngay cả giữa đại dịch. Chúng tôi đã thay đổi cách nhìn về Bolsonaro. Mọi người giờ đều muốn bỏ phiếu cho ông ấy".
Nhiều cư dân nói quan điểm của họ về Tổng thống thay đổi không bắt nguồn từ tư tưởng chính trị mà là mối quan tâm về cuộc sống thực tế.
Matias Maia, người sở hữu một khách sạn 7 phòng với giá 10 USD/phòng/đêm, nói rằng tương lai có vẻ tươi sáng hơn. Con đường đất đang được rải nhựa có thể giúp thúc đẩy kinh doanh cho khách sạn của cô. Cô không biết liệu Bolsonaro có phải là người đứng sau những điều đó hay không, nhưng thấy rằng sẽ thật sai lầm nếu phản đối Tổng thống, khi cuộc sống ở Guaribas đang được cải thiện từng ngày.
"Con đường đó là một giấc mơ. Nếu được hoàn thành, nó sẽ rất tuyệt vời", cô nói thêm.
Không ai biết cảm tình mà những người dân nghèo dành cho Tổng thống Bolsonaro sẽ kéo dài bao lâu, bởi sự ủng hộ dựa trên lợi ích về vật chất như các khoản trợ cấp khá mong manh. Nhiều nhà kinh tế nói rằng chính phủ không đủ khả năng duy trì gói trợ cấp gần 10 tỷ USD mỗi tháng. Bộ trưởng Tài chính Paulo Guedes nói rằng chính phủ sẽ phá sản nếu tiếp tục làm như vậy. Ông nói Bolsonaro thậm chí có thể bị luận tội vì thiếu trách nhiệm với tài chính quốc gia.
Một vấn đề khác cũng nguy hiểm không kém là khi khoản trợ cấp bị chấm dứt, người dân sẽ hứng chịu toàn bộ tác động của khủng hoảng tài chính. Các vấn đề của người nghèo sẽ quay trở lại và trở nên tồi tệ hơn. Những lời kêu gọi luận tội Tổng thống cũng sẽ trở lại sau đó.
"Các khoản trợ cấp chỉ là ảo vọng", Rogerio Barbosa, nhà xã hội học tại Đại học Sao Paulo, nói. "Hiện tại, họ chỉ được bảo vệ bởi biện pháp khẩn cấp này. Nghèo đói ở Brazil vẫn chưa chấm dứt".
Thanh Tâm (Theo Washington Post)