(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Mấy ngày nay, mọi người râm ran chuyện CSGT tổng kiểm tra phương tiện với nhiều ý kiến trái chiều. Đối với tôi, ý nghĩa của cuộc tổng kiểm tra này là tốt, đúng nhưng chưa trúng. Cách thực hiện này chỉ là "bỏ gốc lấy ngọn" khi không giải quyết được tận gốc vấn đề vi phạm giao thông.
Tôi là một người sống lâu năm ở nước ngoài, thời gian gần đây hồi hương về Việt Nam sống nên tình trạng giao thông là vấn đề tôi cảm thấy bức xúc nhất. Sự bực bội của hầu hết mọi người là do ô nhiễm và kẹt xe, nhưng đối với tôi thì đó là vấn đề ý thức giao thông. Chính vì thiếu ý thức giao thông mà xảy ra tình trạng kẹt xe và tăng ô nhiễm.
Tôi rất hay cảm thấy xấu hổ khi chỉ có một mình mình đứng chờ đèn đỏ ở ngã tư vắng người trong khi hầu như mọi người khác đều vượt mà chẳng thèm nhìn. Tình trạng chạy ngược chiều xảy ra như cơm bữa ở các tuyến đường một chiều, nhất là các cây cầu dọc kênh Nhiêu Lộc ở TP HCM, luôn dẫn đến kẹt xe, tai nạn, xô xát... Nếu đã một lần đứng chờ xe lửa thì bạn sẽ lắc đầu ngao ngán liền vì lúc đó đường hai chiều cạnh đường ray sẽ thành đường một chiều. Khi xe lửa qua, xe cộ hai bên sẽ ào qua giành giật từng tấc đường, chẳng ai nhường ai. Tôi thường hay đùa với bạn là "chuẩn bị xung phong" như ngày xưa.
>> 'Sài Gòn, Hà Nội kẹt xe do thiếu CSGT'
Chuyện xe máy chạy trên lề đường cũng xảy ra như cơm bữa ở khắp nơi khiến kẹt xe càng thêm nặng, lề đường bị cày xới nham nhở hơn. Tất cả những gì đã và đang xảy ra đều do "thói quen ích kỷ" của người Việt. Ai cũng muốn phần lợi về mình, ai cũng muốn mình đi nhanh nhất. Ích kỷ là nguyên nhân gây nên tình trạng kẹt xe chứ không phải do đường nhỏ, vì nhiều nước đường cũng nhỏ, xe cộ đông nhưng không loạn như đường ở Việt Nam. Tôi thầm nghĩ, nếu mọi xe đều tuân thủ vị trí của mình, cùng một đoạn đường, chạy chậm có thể sẽ mất 20 phút, nhưng sẽ phải mất 40 phút hoặc hơn nếu đoạn đường bị tắc.
Thói quen ích kỷ càng tệ hại hơn khi nó ảnh hưởng đến thế hệ con em chúng ta khi chúng thấy cha mẹ vi phạm luật mà chẳng bị sao, lớn lên chúng cũng sẽ tập theo như thế. Do thói quen ích kỷ khi tham gia giao thông đã "thấm sâu" vào ý thức của nhiều người nên khó mong mọi người tự giác chấp hành mà cần có biện pháp chế tài mạnh để bắt mọi người tuân theo. Không phải nước ta đã thành công trong việc cấm đốt pháo, bắt đội mũ bảo hiểm rồi sao?
Dưới đây là các biện pháp tôi nghĩ có thể khả khi để chấm dứt tình trạng này:
Lắp camera phạt nguội khắp nơi: Camera sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện biển số. Khi xe vi phạm, giấy phạt được gởi về nhà hoặc về phường để thu. Nếu không đóng phạt sau một thời gian nhất định, sẽ phạt bổ sung (giam xe, bằng lái). Sẽ có phí thu tiền để phường thu tiền phạt vì không ai rõ địa bàn bằng mấy đồng chí Công an khu vực. Với AI, xe xuất hiện ở đâu cũng sẽ bị phát hiện và báo động.
Xe biển số ngoại tỉnh tạm trú dài hạn phải đăng ký địa chỉ với công an: Nếu làm nghiêm thì hoàn toàn có thể phạt nguội với các xe ngoại tỉnh.
Việc kết hợp hai việc trên sẽ giúp CSGT giảm áp lực công việc. Lúc đó, CSGT chỉ có nhiệm vụ điều tiết giao thông chứ không phải xuống đường chặn xe như hiện nay, giảm được tiêu cực nếu có. Người dân cũng thấy sự công bằng khi hình ảnh, clip vi phạm được kèm theo, đồng thời không có sự phân biệt về phạt nguội giữa xe ngoại tỉnh hay không.
Tôi có một ví dụ: Cách đây hơn 10 năm, bạn tôi ở Mỹ có vượt đèn đỏ một giây và cảnh sát gửi giấy phạt cũng như đường link để đóng phạt trên mạng, trong đó có hình ảnh và clip kèm theo. Không thể chối cãi được. Tôi là người lên mạng đóng phạt thay. Là người làm trong ngành CNTT, tôi nghĩ vấn đề kỹ thuật không khó.
>> 'Tổng xử phạt vi phạm giao thông quan trọng hơn tổng kiểm tra ngẫu nhiên'
Sở GTVT có thể điều chỉnh lại thứ tự các đèn ở ngã tư: Ví dụ, khi đèn xanh, 15 giây đầu, các phương tiện hai bên đều rẽ trái (đèn rẽ trái). Sau 15 giây thì cấm rẽ trái và chỉ có phương tiện đi thẳng và quẹo phải được lưu thông, tránh tình trạng xe chạy lộn xộn rồi kẹt xe giữa đường. Biện pháp này các nước khác trên Thế giới đều sử dụng và tác dụng rất tốt.
Phạt thật nặng các hành vi: Chạy ngược chiều trên cao tốc gây nguy hiểm, lái xe khi say xỉn... Quy định rõ cách chạy trên cao tốc để tránh tình trạng kẹt xe trên cao tốc vì những chiếc xe rùa bò chạy song song.
Dẹp lòng lề đường: Tôi nhớ hơn hai năm trước, khi phong trào dẹp lòng lề đường lan rộng, tình trạng bát nháo đã được cải thiện. Nhưng tiếc là vì nhiều lý do mà "mèo lại hoàn mèo", phí mất một cơ hội tốt để giao thông tốt hơn. Khi mà để người dân tự ý thức là điều xa xỉ thì cách tốt nhất để mọi người vào quy củ là đánh vào túi tiền. Nghị định 100 đánh vào túi tiền của chủ phương tiện nên tình hình vi phạm giảm đi đáng kể, phần nào chứng minh được biện pháp này có thể thực hiện. Ý thức của người phương Tây cũng hình thành dựa trên luật nghiêm và sự giáo dục và dần dà nó trở thành bản năng của họ. Tôi không có ý đề cao họ nhưng thực sự là vậy.
Khi viết bài này, tôi không nói tất cả người tham gia giao thông đều ý thức kém và ích kỷ. Nhưng tiếc là nó xảy ra ở bộ phận không nhỏ người dân. Ý thức hình thành dựa theo thói quen và sự giáo dục. Tôi nghĩ những biện pháp trên cũng là một cách giáo dục mọi người phải biết tuân thủ luật lệ để có được xã hội văn minh hơn, đất nước giàu đẹp hơn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.
Hoàng Nguyên