Có nhiều quan điểm trái chiều xung quanh câu chuyện phân chia tài sản thừa kế mà tác giả chia sẻ trong bài viết "Sáu nguyên tắc chia thừa kế giúp tôi 'dẹp loạn' con cái". Cuộc sống thực tế vốn không giống như lý thuyết và không diễn ra suôn sẻ như những gì con người sắp đặt. Thế nên trong câu chuyện chia thừa kế cũng cần có cái nhìn thoáng hơn.
Thứ nhất, tùy hoàn cảnh mỗi gia đình và tùy tình hình tại thời điểm lúc đó mà mỗi bậc cha mẹ sẽ quyết định phân chia tài sản cho con cái thế nào để phù hợp, không nhất thiết phải chờ đến lúc sắp chết mới tính chuyện chia gia tài. Thực tế, đã có bao gia đình mà anh em tương tàn ngay tại đám tang của cha mẹ cũng vì họ không phân chia từ trước. Suy nghĩ để tiền phòng thân lúc tuổi già là đúng, tuy nhiên nếu bạn cứ ôm hết tài sản đến khi già yếu, bệnh tật bán đi vẫn không đủ lo cho bản thân thì phải làm sao?
Thứ hai, không ai biết chính xác mình sẽ sống được đến lúc nào để chuẩn bị di chúc. Tuổi già luôn rất khó lường, nay khỏe mai yếu là chuyện bình thường. Nếu không may ngày mai bạn đột ngột không còn minh mẫn nữa thì cũng sẽ không thể làm được di chúc.
Tôi đã chứng kiến không ít người rơi vào tình cảnh trớ trêu như vậy. Ngay trong chính gia đình người bà con của tôi, một người con trai đã giành hết toàn bộ đất đai của cha mẹ, không chia cho 7-8 người anh em còn lại của mình. Người mẹ vẫn còn sống nhưng phải chịu uất ức mấy năm trời đến tận khi nhắm mắt xuôi tay vì chẳng thể làm gì được trước cảnh con cái tương tàn.
>> Đề nghị bố mẹ chia đất thừa kế ngay vì sợ anh em tương tàn
Thứ ba, năm ngón tay còn có ngón ngắn, ngón dài. Tính cách của những người con chắc chắn cũng sẽ rất khác nhau. Ngay trong quan niệm của nhiều bậc cha mẹ đã có sự phân biệt con trưởng, con út, con dâu, con rể nên tình cảm của con cái chắc chắn cũng sẽ không đồng đều. Khi còn sống cùng một mái nhà thì con cái có thể không màng đến quyền lợi cá nhân. Nhưng khi họ có gia đình riêng, động đến quyền lợi tài chính thì ắt sẽ có chuyện tranh giành, hơn thua. Nên nếu không có sự chuẩn bị từ trước, bạn sẽ phải chứng kiến những cảnh không mấy hay ho của các con.
Thứ tư, nhiều người thường xem con dâu là người ngoài. Với suy nghĩ đó, các bạn cũng đừng mong con dâu xem mình là người nhà. Nếu con trai không còn nữa, liệu các bạn có xem con dâu và các cháu nội như người dưng? Ba mẹ tôi thì ngược lại, họ thương con dâu không kém con ruột. Vì thế, đến khi anh tôi mất, chị dâu vẫn qua lại thăm nom bố mẹ chồng như một người con ruột suốt 20 năm nay. Ba mẹ tôi cũng dự định chia đất cho chị và tôi là người đầu tiên ủng hộ.
Bản thân tôi lo cho ba mẹ đến thời điểm này sẽ còn tốn kém hơn nhiều so với mảnh đất họ đang có. May mắn là ba mẹ tôi không so đo tính toán với con cái. Nếu không, có lẽ tôi sẽ ký giấy từ chối nhận tài sản thừa kế.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.