Về câu chuyện thừa kế đang gây tranh cãi những ngày gần đây, tôi cho rằng mọi câu chuyện được mọi người chia sẻ đều chỉ để tham khảo. Thực tế, không có công thức chung cứng nhắc nào cho tất cả. Có người chia thừa kế cho con sớm, có người chia muộn, có người giữ lại để tự lo cho bản thân lúc về già để không phải phụ thuộc ai... đó đều là sự lựa chọn của cá nhân mỗi người, có thể đúng với người này nhưng chưa chắc đã phù hợp với người khác.
Tôi xin kể câu chuyện của gia đình mình để phản biện lại quan điểm về việc không nên chia thừa kế sớm của tác giả bài viết "Anh em tôi bất hòa vì cha mẹ chia tài sản thừa kế sớm". Mong rằng chia sẻ này sẽ góp thêm một góc nhìn khác về câu chuyện này để giúp các bạn có cái nhìn đa chiều hơn.
Cậu ba của tôi là một kỹ sư, tính cách vốn ôn hòa, lối sống rất giản dị. Hai anh chị con của cậu đều học hành giỏi giang. Đặc biệt là chị út, học giỏi nổi tiếng cả huyện. Từ khi mới học cấp hai, chị đã được bố cho biết về số tiền thừa kế sau này của mình. Nghe vậy, chị nói: "Số tiền lớn quá. Vậy con phải học cách quản lý nó từ bây giờ. Con sẽ tự thân đi làm kiếm tiền, có nhiều kinh nghiệm thì mới đủ sức quản lý tiền ba cho".
Chị ví việc quản lý tài sản thừa kế như cưỡi ngựa. Tức là bạn phải học các kỹ thuật cơ bản để biết cưỡi ngựa, sau đó mới có thể ngồi lên lưng ngựa và điều khiển nó theo ý mình được. Tương tự, bạn phải làm ra nhiều tiền mới có thể biết được cách quản lý số tiền lớn ấy.
>> Ba anh em tôi sống thảnh thơi vì bố mẹ sớm chia đất thừa kế
Thế là từ khi biết về số tài sản thừa kế, chị càng thêm quyết tâm học hành chăm chỉ. Hết phổ thông, chị thi đậu vào một trường đại học lớn của thành phố. Sau khi lấy bằng tốt nghiệp, chị cũng tự đi xin việc bằng chính năng lực của mình. Nhờ làm việc giỏi nên chị thăng tiến rất nhanh và sớm đạt mức thu nhập cao so với tuổi. Sau khi tự tay mua được một mảnh đất đầu tiên ở tuổi 28, chị mới chính thức nhận số tiền thừa kế của bố cho. Hiện giờ, chị đã sử dụng triệt để số tiền thừa kế đó để xây dựng và phát triển một doanh nghiệp lớn mạnh.
Còn người con trai của cậu lại nhận thừa kế sớm hơn, ngay khi vừa tốt nghiệp đại học. Anh cũng làm ăn chăm chỉ và rất có chiến lược nhờ biết vận dụng những kiến thức đã được học từ hai trường đại học. Về tài chính, anh giàu hơn chị út rất nhiều, dù số tiền cậu tôi cho hai anh chị là đều nhau, không phân biệt lớn bé, gái trai.
Có thể thấy, khác với nỗi lo sợ và cảnh báo của nhiều người, cậu tôi chia đôi tài sản thừa kế cho hai con từ rất sớm. Thậm chí, cậu chấp nhận sống trong ngôi nhà đã được sang tên cho con trai ngay từ khi mới 20 tuổi. Thế nhưng, cậu đã không sai lầm. Hiện tại cậu tôi đã mất, anh tôi đón mợ về ở cùng anh trong ngôi nhà anh tự mua. Còn nhà cậu mợ cho, anh để làm kỷ niệm. Chị út cũng có chìa khóa ngôi nhà này. Ngày rằm, tôi vẫn thấy chị sang tự mở cửa để thắp hương, và quét dọn ngôi nhà đó.
Từ câu chuyện của gia đình cậu mợ tôi, các bạn có còn cho rằng chia tài sản thừa kế cho con cái từ sớm sẽ chỉ đem lại những điều tiêu cực, không tốt?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.