Đọc bài viết "Sinh viên tiêu 4 triệu đồng mỗi tháng không đủ", tôi cảm thấy chán cho nhiều bạn trẻ bây giờ. Họ tiêu quá nhiều tiền vào những điều vô bổ, không biết giá trị của đồng tiền.
Sau 18 tuổi, tốt nhất là nên tự lập. Ai có nhu cầu chi tiêu nhiều thì tự kiếm nhiều tiền tiêu. Bố mẹ không phải cái mỏ cho con cái đào, lo cho con tiền học phí là tốt lắm rồi.
>> Sinh viên Sài Gòn cần tiêu 5 triệu mỗi tháng
Tôi thường dạy con cái noi gương tôi lúc xưa. Kinh tế gia đình tôi lúc đó chỉ đủ ăn nên ba mẹ chỉ đủ tiền đóng học phí và cho tôi vài đồng ăn sáng. Các bạn tôi xài điện thoại di động (lúc đó là điện thoại cục gạch), đi xe máy, còn tôi đi xe đạp, không có điện thoại cũng không có máy tính (thời đó chủ yếu dùng máy tính bàn).
Tôi không đi làm thêm nhưng tôi kiếm tiền bằng cách học thật giỏi để xin học bổng của trường. Kết quả, tôi luôn đứng top 10 trong khoa, học kỳ nào tôi cũng có học bổng, đủ trang trải những sinh hoạt cá nhân.
Tôi cũng không có nhu cầu chi tiêu gì nhiều nên số tiền đó đủ để tôi ăn cơm trưa và mua vài thứ linh tinh, buổi tối thì ăn cơm nhà. Tôi đi học, tham gia các hội nhóm trong trường đại học. Buổi chiều tối tôi về nhà học hành, không la cà quán xá với đám bạn vì ý thức được mình không có nhiều tiền.
Ra trường có bằng loại giỏi, tôi lại xin được học bổng toàn phần đi học thạc sĩ ở nước ngoài, không tốn một đồng cho chi phí học hành ăn ở. Lúc học, tôi chỉ đi làm thêm vào dịp hè để tăng thu nhập. Toàn bộ thời gian tôi đều dành cho việc học để có kết quả tốt. Tôi hoàn toàn không mua sắm, đi chơi ăn uống bên ngoài. Tôi chỉ ăn cơm ở ký túc xá hoặc tự mua đồ về nấu ăn.
Về Việt Nam, tôi tìm ngay được một công việc tốt rồi lập gia đình. Bây giờ có nhà, có xe, cuộc sống ổn định nhưng tôi vẫn chi tiêu bình thường.
Tiền bạc tập trung vào việc học của con. Tôi mang cơm nhà đi làm, chỉ thỉnh thoảng ăn uống ngoài khi có dịp. Tôi có thể khẳng định mỗi tháng chi tiêu cá nhân không quá bốn triệu đồng.
Một số bạn tôi thời đại học thì sao? Họ lo đi làm thêm, kiếm thật nhiều tiền, để đua đòi mua sắm cho bằng bạn bằng bè, để thay điện thoại, để đổi xe máy, để tối tối đi uống cà phê chém gió.
Kết quả học tập thì bết bát, nợ môn nhiều, đóng tiền thi lại "sấp mặt". Kiếm bao nhiêu tiền lại lo đóng tiền thi lại, bảng điểm thấp be bét, tốt nghiệp ra trường với cái bằng trung bình. Có người còn phải xin bảo lưu, bị đuổi học vì nợ quá nhiều môn.
Khi đi làm, vì không có bằng cấp tốt và học hành cũng không tử tế nên kiến thức chuyên môn kém, vì vậy công việc cũng bấp bênh, nhảy việc hết chỗ này đến chỗ nọ.
>> Nhà giàu nhưng tôi vẫn ‘đẩy con ra đường’ làm thêm
Dĩ nhiên không phải ai cũng vậy, có những sinh viên nghèo chăm chỉ làm thêm kiếm tiền đóng học phí và học rất giỏi. Tất cả những người đó bây giờ đều có một cuộc sống sung túc, đầy đủ.
Tóm lại, tôi chỉ muốn nhắn nhủ một điều, các bạn sinh viên còn trẻ nên lấy việc học làm đầu, tập trung vào việc học và dùng chính việc học để đẻ ra tiền (có học bổng). Chi tiêu chỉ nên "đủ" trong thời gian học tập. Khi đi làm, các bạn kiếm được nhiều tiền thì hãy tiêu xài nhiều hơn.
Loan Vass
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.