(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Khi còn là học sinh THPT, tôi khá tự ti vì khả năng giao tiếp cao. Vốn là một người hướng nội, không hay nói chuyện với người lạ nên thế giới quan của tôi chỉ xoay quanh một vài điều nhỏ bé và ngây ngô.
Đó cũng là điều bây giờ tôi nhìn thấy từ những người không thường xuyên đi làm thêm ở môi trường đại học. Tôi học Đại học Bách Khoa, có lẽ do đặc thù nên bạn bè cũng ít trải nghiệm bên ngoài khuôn viên trường do bận học và thi. Dường như giữa tôi và các bạn không đi làm thêm có một khoảng cách nhất định về trải nghiệm sống bên ngoài.
>> Làm nail khi du học, tôi được mời thực tập công ty tốt
Tôi đã đi làm thêm nhiều công việc trong ba năm đại học, từ nhân viên bán hàng các ngành dịch vụ cho đến nhân viên quản lý của doanh nghiệp thi công hay giáo dục và đào tạo, gần đây là trải nghiệm một chút về mảng marketing.
Những công việc làm thêm khi còn là sinh viên đã giúp tôi rất nhiều. Nó như một cánh cổng mở ra một thế giới rộng lớn, vượt xa khỏi cái hiểu biết vốn hạn hẹp của tôi từ trước đến giờ. Môi trường công việc, cuộc sống bên ngoài phức tạp, nhưng đó cũng là nơi sẽ dạy nhiều thứ nhất. Nếu nói kiến thức trong trường học là một cái hồ thì kiến thức bên ngoài trường học là biển. Một phép so sánh tương đối để thấy môi trường bên ngoài rộng lớn và bao la như thế nào để học hỏi.
Công việc ngành dịch vụ đã giúp tôi cải thiện khả năng giao tiếp đáng kể. Nó thay đổi tôi 180 độ ngay trong năm đầu tiên học đại học. Nhưng theo tôi tự đánh giá, năm đầu tiên này, tôi còn quá ảo tưởng về khả năng của bản thân. Chính vì thế, năm hai đại học, tôi chọn theo những công việc đặc thù của các ngành hơn. Khi được làm việc với lãnh đạo thì cơ hội được dạy bảo tăng lên rất nhiều. Chỉ có nghe sếp mắng thì mình mới khôn ra được.
Mỗi vị trí công việc sẽ giúp tôi học hỏi thêm nhiều điều mới. Vị trí thiên nhiều về quản lý đã giúp tôi trang bị tư duy của một người quản lý nhân sự, quản lý dự án và hơn cả là quản lý chính bản thân mình. Trách nhiệm trong công việc vì thế cũng lớn hơn để có thể làm những đầu việc khó hơn do sếp giao.
Đến năm thứ ba, tôi trải nghiệm sâu hơn nữa vào một ngành cụ thể chứ không đi lan man bên ngoài so với hai năm đầu tiên. Tôi chọn theo ngách Content Marketing. Tôi thích công việc này. Cảm giác được sáng tạo, được viết giúp tôi tăng khả năng tìm kiếm và sử dụng thông tin, khả năng biên soạn và sắp xếp cũng đã tăng lên một bậc.
>> Chạy xe ôm công nghệ lâu dài, sinh viên chỉ thua thiệt
Cường độ công việc của ngành marketing cũng giúp quen với việc sống trong áp lực và phải luôn làm việc phải hiệu quả hơn để đáp ứng được yêu cầu của cấp trên giao xuống.
Trong 3 năm trải nghiệm với từng công việc, tôi như thay đổi thành một con người khác với bạn bè cùng trang lứa. Nhiều bạn bè vẫn hay trêu làm gì mà có thể trải nghiệm nhiều như vậy, nghĩ mà buồn cười. Thực ra từ "nhiều" ở đây chỉ mang tính tương đối. Có thể nhiều với bạn nhưng với tôi, những trải nghiệm đó chỉ như muối bỏ bể với những người bạn khác, họ giỏi và xuất phát sớm hơn mình nhiều.
Những điều tôi chia sẻ đều rút từ trải nghiệm làm thêm trong ba năm. Tôi nhận ra là trong khoảng nửa năm nay, bản thân đã thay đổi, thực tế hơn, không còn phô trương, thích nói hơn thích làm nữa. Tôi luôn tin mình vẫn đang đi đúng hướng trong hành trình trải nghiệm và phát triển bản thân. Dù chuyên môn nghề vẫn còn nông cạn nhưng không sao, vẫn luôn còn thời gian để học và trải nghiệm. Chỉ cần là mình muốn thì mình sẽ học, sẽ làm, không gì có thể cản bước.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Minh Đạt