Kết quả kỳ xét tuyển đại học năm 2021 đã có từ lâu, nhưng vì lý do dịch bệnh, các em tân sinh viên vẫn còn ở quê, chưa lên thành phố nhập học. Không ít các em chưa kịp vui mừng vì mình đã đỗ được đại học thì lại lo lắng cho những tháng ngày xa nhà và tập thói quen, nền nếp sinh hoạt trong môi trường mới.
Còn nhớ một thời ở quê tôi, số lượng học sinh đỗ đại học của cả xã có năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ba mẹ các tân sinh viên này một mặt mở tiệc liên hoan ăn mừng với họ hàng, xóm làng. Nhưng họ cũng lo canh cánh về các khoản học phí, chi tiêu sinh hoạt cho con suốt bốn năm đại học.
>> Nhà giàu nhưng tôi vẫn ‘đẩy con ra đường’ làm thêm
Một đoạn phim mà tôi từng xem đã mô tả một phần nào đó nỗi lo lắng và sự hy sinh này: Một gia đình ở quê vừa vui mừng vì nhận giấy báo trúng tuyển đại học của con, nhưng niềm vui chỉ thoáng qua một chốc. Ông bố và bà mẹ mặt dường như tối sầm lại. Mẹ vội chạy vào kho thóc xem còn bao nhiêu, bố thì tính đến việc bán luôn chiếc giường, thậm chí cả tủ thờ để lo chi phí cho con nhập học.
Có lẽ đó là chuyện xảy ra ở thời xưa, lúc còn gian khó. Nhưng đến bây giờ, không ít phụ huynh ở quê tôi vẫn cân đong, đo đếm số tiền phải lo cho con trong suốt bốn năm đại học. Nào là tiền ăn ở, học phí, dụng cụ học tập...nhất là em nào học y, học kiến trúc, xây dựng thì ngoài những chi phí sinh hoạt cơ bản, còn có tiền mua giấy vẽ, sách y học, ống nghe, dụng cụ đo huyết áp, máy ngắm... Tất cả đều được quy ra tốn bao nhiêu cân thóc, bao nhiêu con heo...
Thế nên mới có việc người ta so sánh việc tốn mấy trăm triệu đồng trong bốn năm đại học là một khoản đầu tư đặc biệt, không biết chừng nào mới thu hồi được vốn và có lời.
Mới đây, trên mạng, tôi thấy ai đó đã dụng công liệt kê và tính toán chi phí sinh hoạt cơ bản của một sinh viên phải tốn là 5,1 triệu đồng. Tôi xem qua và giật mình, tự nhẩm phải chăng bây giờ giá cả đã đi quá xa so với thời của mình. Ngày ấy, tôi ở ký túc xá, đóng tiền trọn gói vào mỗi học kỳ, giá cũng khá rẻ so với việc ở trọ. Chi phí ăn uống, sinh hoạt còn lại mỗi tháng cũng tầm 2,5- 3 triệu đồng.
Bây giờ sinh viên chi tiêu tận 5,1 triệu đồng một tháng, nhưng chỉ vừa đáp ứng các nhu cầu cơ bản có phải là nhiều không? Nhưng nghĩ kỹ lại, tôi thấy hoàn toàn không. Giá một dĩa cơm bình dân bây giờ muốn đầy đặn một tí, ăn no thì cũng ở mức giá 25-30 nghìn đồng một suất. Nếu rẻ hơn thì không đảm bảo. Trong lớp đại học của tôi từng có một bạn chuyên ăn cơm chay với giá rẻ hơn rất nhiều lần để giảm chi phí.
>> Tôi lãng phí nhiều thời gian cho Facebook, Youtube
Nhưng nhìn chung, tôi thấy việc sinh viên chi tiêu 5 triệu hay ít hơn hoặc nhiều hơn không là vấn đề. Vấn đề cốt lõi mà các phụ huynh cần hướng con em mình đến là sự tự tập, tự chủ tài chính ngay từ lúc bước chân vào giảng đường. Có thể thoả thuận là bố mẹ sẽ hỗ trợ học phí trong bốn năm và tiền sinh hoạt trong nửa năm học đầu tiên. Trong thời gian đó, thay vì lo lắng, than thở tiền bố mẹ cho không đủ phí sinh hoạt, các bạn sinh viên phải lo kiếm việc làm thêm để kiếm thêm nhu nhập đỡ phần chi phí sinh hoạt.
Tôi không tính đến những công việc làm thêm chuyên môn, những công việc bình thường như bưng bê, phục vụ ở các quán ăn, quán cà phê thì hầu như đều có mức lương 15-20 nghìn đồng mỗi giờ. Như vậy, nếu sắp xếp lịch học ổn thoả với lịch làm thêm thì mỗi tháng hoàn toàn có thể kiếm được vài triệu đồng dằn túi để tiêu xài, không dùng đến tiền bố mẹ.
Mà việc làm thêm ngay từ thời sinh viên, ngoài cái lợi tiền bạc, còn giúp có thêm kinh nghiệm, sự mạnh dạn với cuộc sống. Thay vì đi học xong về đến phòng trọ thì ngủ, hoặc lướt mạng, coi phim.
Có nhiều phụ huynh vì thương con, không muốn con làm thêm vất vả, chỉ cần tập trung vào học. Tuy nhiên, các sinh viên đã đủ 18 tuổi, cần làm quen cuộc sống tự lập, biết tính toán chi tiêu và có thể hỗ trợ gia đình. Gia đình chỉ cần đảm bảo cuộc sống cơ bản. Những nhu cầu cá nhân phát sinh, các em nên có trách nhiệm tự lo cho bản thân.
Hoàng Khanh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.