Những năm gần đây việc chụp CT (cắt lớp vi tính) rất phổ biến tại Việt Nam. Hiện nay, bệnh viện cấp huyện cũng được trang bị máy chụp CT. Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà phương pháp này mang lại với bệnh nhân và đặc biệt là khi nó đã trực tiếp cứu sống nhiều người bệnh. Nhưng song song với đó có nhiều cảnh báo đã được đưa ra về việc nguy cơ ung thư ở trẻ chụp CT do nhiễm bức xạ của tia X.
Ở Mỹ, có thời kỳ cao điểm là hơn 80 triệu ca chụp trong một năm. Nhưng sau hàng loạt nghiên cứu về nguy cơ ung thư có thể xảy ra thì việc chụp CT đã giảm đi rất nhiều và hầu như rất ít được sử dụng với trẻ em. Ở Anh người ta còn có luật phải khám lâm sàng kỹ, tức là bệnh nhân phải có dấu hiệu hay chấn thương nghiệm trọng thế nào mới được chỉ định chụp CT.
Nước ngoài sợ chụp CT là vậy, còn ta thì ngược lại. Tôi để ý thấy các bác sĩ ở ta hầu như không thông báo với bệnh nhân và người nhà của họ về những tác hại của tia X và việc chụp CT, làm cho người dân không hiểu rõ về những nguy cơ sức khỏe. Tôi từng hỏi những phụ huynh đưa con đi chụp CT xem họ có biết những nguy cơ ấy ra sao không? Phần lớn họ chỉ bảo: "Bác sĩ chỉ định nên cứ yên tâm làm theo thôi".
Con tôi cũng là một trường hợp như vậy, cháu đau đầu, nôn ói, đi khám bác sĩ cũng chỉ định chụp CT ngay dù chưa khám lâm sàng. Khi tôi hỏi "việc chụp có tác hại gì đến trẻ không?", bác sĩ đáp "không sao", các KTV chụp nói "an toàn lắm". Kể cả sau này, tôi có hỏi một số bác sĩ bệnh viện lớn, người ta cũng nói "chụp vài lần chắc không sao". Sau khi tìm hiểu các nghiên cứu của nước ngoài, tôi càng thêm lo lắng khi tự dưng đưa con đi khám bệnh nhẹ mà cuối cùng lại phải chụp CT.
>> Hai thái cực khác biệt khi khám bệnh ở viện công - viện tư
Ở đây, tôi không nói đến việc chụp CT cấp cứu hoặc cần thiết để cứu mạng người, nhưng rõ ràng là đang có tình trạng lạm dụng chụp CT. Ngày nay cứ đi viện là bệnh nhân bị yêu cầu đi chụp chiếu, từ X-quang, MRI (cộng hưởng từ) đến CT, trong khi chưa chắc những kết quả chụp chiếu đó đã thực sự cần thiết. Tôi thiết nghĩ, Bộ Y tế nên có nhưng khuyến cáo rõ ràng cho người dân và bác sĩ để có thể giảm thiểu số lần chụp chiếu không cần thiết, tránh những nguy cơ trong tương lai.
KTV chụp CT cho con tôi từng nói "người lớn chụp chung chế độ với trẻ em". Điều đó càng khiến tôi thêm sốc. Tôi tự hỏi việc chụp chiếu cho trẻ em tại các bệnh viện đa khoa khác (không chuyên về Nhi) đang được quy định như thế nào? Và ai là người kiểm soát hoạt động này?
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học The Lancet của Anh, do nhóm khoa học của chuyên gia dịch tễ học Mark Pearce tại Đại học Newcastle (Anh) thực hiện cho thấy trẻ từng chụp CT từ 2 đến 3 lần trở lên có nguy cơ bị ung thư máu hoặc ung thư não cao gấp 3 lần khi trưởng thành. Các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế tối đa việc dùng kỹ thuật này cho trẻ, và nếu có thể hãy thay thế bằng kỹ thuật chẩn đoán khác.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.