Hình ảnh dưới đây là số túi bóng và đồ nhựa dùng một lần của gia đình tôi (gồm có hai người lớn và hai trẻ em) sử dụng trong vòng tầm gần một tháng qua. Dù chúng tôi vẫn thường mang túi vải đi mua thức ăn để hạn chế thấp nhất việc sử dụng túi nilon, hộp xốp nhưng đếm sơ sơ cũng đến cả gần trăm cái túi bóng và hộp đựng trà sữa, sinh tố... Đấy là còn chưa kể những túi bóng hay hộp xốp đựng thức ăn vứt ở sọt rác khác.
Như vậy, có thể thấy, dù chỉ là một gia đình nhỏ, lại luôn có ý thức hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng đồ nhựa một lần, nhưng số lượng túi bóng, hộp xốp... mà chúng tôi thải ra đã nhiều đến vậy. Không hiểu rằng, với những gia đình đông người hơn, hay những quán cà phê, nhà hàng, những người không có ý thức hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần nên dùng một cách vô tội vạ, thì số lượng còn lớn đến mức nào?
Ra đường, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bãi rác tràn ngập đồ nhựa ở khắp nơi, làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường. Và hậu quả là con người đang phải gánh chịu hàng ngày.
>> Tôi từ chối mua khi cửa hàng tiện lợi quay nóng đồ ăn còn nguyên túi nilon
Còn đây là khung cảnh một cánh đồng vào mùa đông của làng quê tôi. Trên cánh đồng mùa đông này, thời thơ ấu đã gắn với chúng tôi biết bao nhiều kỷ niệm. Khi chúng tôi còn bé, những cánh đồng ruộng ải này vẫn có nhiều chim chóc như rẽ run, giang, sáo đen... Chúng tôi thả trâu, chăn bò rồi chơi đánh trận giả, chán lại đi đào khoai, bẫy chim, bắt trạch hay cua, cá trong hang, dưới bùn rồi nướng ăn.
Tuy nhiên, giờ đây cánh đồng mùa đông này chẳng khác gì một "cánh đồng chết" khi không còn một tiếng chim, không một cánh bướm lượn... Khi buồn, tôi vẫn hay đi dạo trên cánh đồng, tuy nhiên giờ đây tâm trạng của tôi có khi lại càng u ám hơn. Tất cả không gian chỉ im lặng như tờ, rất đáng sợ.
Tôi cho rằng, chúng ta cũng phải có trách nhiệm hơn để giữ gìn thế giới này tốt đẹp cho thế hệ mai sau. Xin trích một đoạn trong di thư mà nữ cố nhà văn Quỳnh Giao gửi lại hậu thế: "Chúng ta có nghĩa vụ giữ gìn môi trường sống sạch sẽ cho những sinh mệnh mới đang nối tiếp nhau chào đời". Bản thân tôi trong một bài viết trước đây từng chia sẻ về việc thực hành tái sử dụng và hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng đồ nhựa một lần, nhưng lại "bị cười nhạo vì cái túi nilon đứt quai dùng một năm trời".
Trước khi có những quyết định tầm vĩ mô của nhà chức trách về việc hạn chế, thậm chí cấm đồ nhựa dùng một lần, mỗi người dân chúng ta cần có những hành động thiết thực ngay từ bây giờ: hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần để tránh ô nhiễm môi trường. Nếu không làm như vậy, e rằng không chỉ có mùa đông vắng lặng, mà mùa hè, mùa thu, mùa xuân cũng sẽ vắng lặng.
- Nhà tôi cả tháng không dùng túi nilon
- Tôi nhiều năm 'cạch mặt' đồ nhựa
- Tôi lo ngại khi mua tô phở nóng hổi đựng trong ly giấy
- 'Cạch mặt' đồ nhựa trước khi phân loại rác
- Tôi cắt giảm 90% đồ nhựa trong nhà
- Bỏ rác đúng quy định không giúp ngăn chặn đại họa từ đồ nhựa