Xung quanh câu chuyện "dùng ống hút cỏ, lá chuối - bảo vệ môi trường hay hiệu ứng đám đông?", độc giả The Rain chia sẻ góc nhìn về vấn đề này:
Cứ cho rằng tất cả mọi người bỏ rác đúng quy định đi, rồi sao nữa? Rác thải nhựa sẽ được đem đến bãi rác, được xử lý bằng phương pháp thô sơ nhất là chôn lấp và phải mất ít nhất 100 năm để phân hủy. Và trong 100 năm đó, bãi rác ở đâu mà chôn cho đủ khi người ta cứ vô tư xả hàng tấn rác thải nhựa mỗi ngày? Rồi đất, rồi nước sẽ ra sao khi lượng rác đó ngấm vào từng ngày từng giờ?
Đừng nghĩ trào lưu "nói không với rác thải nhựa" chỉ là nhất thời ở Việt Nam. Đó là xu hướng của toàn thế giới bởi ngay cả những quốc gia phát triển như Mỹ cũng vừa bị trả về hàng tấn rác thải nhựa vì "đổ trộm" sang Đông Nam Á. Xử lý rác nhựa rất tốn kém và tất nhiên ảnh hưởng môi trường trong quá trình tái chế là không hề nhỏ. Rác nhựa đang bị xem là đại hoạ đe doạ sự sống của con người khi số lượng vi nhựa trong không khí, trong nước biển đang tăng lên. Có nghiên cứu còn chỉ ra rằng, mỗi người trong một tuần hấp thụ lượng nhựa bằng một cái thẻ ATM.
Trong bối cảnh cả thế giới đau đầu vì nhựa, cá nhân tôi chỉ biết cố gắng hạn chế sử dụng đồ nhựa bằng cách mang giỏ đi chợ, từ chối túi ni lông, luôn mang ly cá nhân khi đi cà phê.... dù nhỏ bé nhưng tôi luôn nghĩ "có còn hơn không". Tình hình nguy cấp là vậy nhưng vẫn có người bình thản, ung dung cho rằng nhựa là phát minh vĩ đại vì thế cứ vô tư mà tận hưởng tiện ích do nó mang lại. Thật sự không hiểu được.
Đồng quan điểm trên, độc giả Nguyen Thi Le Nga chia sẻ:
Rác thải nhựa và chuyện xả rác bữa bãi là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Rác thải nhựa phải giảm thiểu, còn ý thức xả rác bừa bãi của người Việt Nam vẫn cần phải thay đổi. Liệu bạn có ý thức được hết tác động của rác thải nhựa lên môi trường sống hiện nay chưa? Bạn lý giải thế nào với việc các nước phát triển họ không xả rác bừa bãi nhưng hiện nay thế giới chúng ta vẫn đang đối diện với nguy cơ lớn từ rác thải nhựa?
Sự độc hại của đồ nhựa, nhất là đồ tiện lợi dùng một lần đối với sức khỏe con người. Tỷ lệ ung thư hiện nay rất cao, nguyên nhân phần lớn là do ăn uống, và việc sử dụng các loại đồ nhựa tiện lợi rẻ tiền, độc hại cũng góp phần đáng kể.
Với nguy cơ quá tải từ rác thải nhựa, và sự độc hại của đồ dùng nhựa đối với sức khỏe con người, phong trào giảm thiểu sử dụng đồ nhựa này là hoàn toàn đúng đắn. Dù nó có là hiệu ứng đám đông đi chăng nữa thì cũng là một hiệu ứng tốt. Còn vấn nạn xả rác bừa bãi thì phải có biện pháp giáo dục, chế tài nghiêm khắc để xử lý.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.