Hình ảnh dưới đây là chiếc túi nilon mà tôi đã sử dụng suốt một năm qua. Túi cứ bẩn là tôi lại mang đi giặt sạch rồi dùng lại. Kể cả khi túi bị đứt quai, tôi cũng tìm cách buộc lại để tái sử dụng thêm nhiều lần nữa.
Nhiều người nhìn thấy cách tôi dùng cái túi như thế và biết tuổi thọ của nó, họ phì cười. "Bây giờ đồ nhựa dùng một lần vừa rẻ, vừa sẵn, tại sao lại phải khổ như thế?", nhiều người thắc mắc. Thực ra, tôi làm như vậy không phải do tiếc tiền mua túi mới, mà vì xót xa mỗi khi nhìn thấy những bãi rác khổng lồ toàn túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.
Hậu quả của hành vi sử dụng đồ nhựa vô tội vạ là biến đổi khí hậu. Ngày nào đọc báo, tôi cũng thấy nơi này, nơi kia ghi nhận nhiệt độ lập kỷ lục mới, vô cùng đau lòng. Trái đất nóng lên, thiên tai cũng ngày càng khốc liệt, một phần chính là do những hành động không bảo vệ môi trường của con người chứ chẳng phải ở đâu xa.
Ý thức được điều đó, nên dù không làm được những điều to tát thì tôi vẫn cố bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ, thiết thực trong khả năng của mình. Trước đây, tôi cũng từng có nhiều bài chia sẻ về thói quen của bản thân như: "5 tháng dùng điện mặt trời tiết kiệm 5 triệu đồng", "Cần nhanh chóng cấm đồ nhựa dùng một lần", "Gia đình tôi giảm rác thải nhờ hầm biogas"... Những hành động đó nghe qua thì có vẻ kỳ lạ, nhưng nó thực sự mang lại những hiệu quả to lớn.
>> 'Mua vỉ thuốc cũng xin túi nilon'
Nhà tôi đã lắp điện mặt trời, xây bể chứa nước mưa, xây hố gas trên đường dẫn nước thải của hộ gia đình, sử dụng hầm biogas, trồng nhiều cây xanh, hạn chế bê tông hóa... Đó là những hành động đơn giản nhưng rất hiệu quả để góp phần chống biến đổi khí hậu.
Giải Nobel Vật lý vài năm trước vinh danh một công trình đã chứng minh rằng sự gia tăng nhiệt độ trong khí quyển là do con người thải CO2. Do đó, chúng ta cần phải hành động thiết thực hơn để chống lại sự biến đổi khí hậu, chứ không chỉ nói suông.
Nữ hoàng Anh mới đây có nói rằng bà rất bực mình vì nhiều vị lãnh đạo trên thế giới chỉ nói mà không có hành động nào để cứu thế giới khỏi thảm họa biến đổi khí hậu. Còn tỷ phú Bill Gates cũng cảnh báo: "Biến đổi khí hậu nguy hiểm hơn dịch Covid-19. Dịch bệnh sẽ sớm có vaccine còn biến đổi khí hậu sẽ rất khó giải quyết".
Hoàng tử Wiliam của Anh từng kêu gọi: "Chúng ta hãy cứu trái đất trước khi nghĩ đến chuyện đưa người đi du lịch vào vũ trụ". Và chính những hành động thiết thực như hạn chế đồ nhựa dùng một lần bằng cách tái sử dụng chúng như chuyện cái túi nilon dùng một năm trời của tôi là một ví dụ cụ thể cho điều đó. Đôi khi mộ thay đổi nhỏ trong thói quen của bạn cũng có thể làm cho cuộc sống này dần trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Cạch mặt' đồ nhựa trước khi phân loại rác
- Tôi cắt giảm 90% đồ nhựa trong nhà
- Bỏ rác đúng quy định không giúp ngăn chặn đại họa từ đồ nhựa
- Nói không với nhựa - giải pháp hay sợ hãi vô căn cứ?
- 'Tiêu hủy phế liệu nhập khẩu, Việt Nam sẽ thành nơi xử lý rác nhựa thế giới'