"74% nhân viên luôn cảm thấy thu nhập không đủ sống và 65% người được hỏi tin rằng nguyên nhân đến từ việc doanh nghiệp trả lương thấp hơn năng lực bản thân", theo một kết quả khảo sát 65.000 người đi làm ở các cấp độ từ nhân viên, quản lý cấp trung và lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam. Thực tế, chỉ số hạnh phúc (được xác định dựa trên mức độ gắn kết, động lực cống hiến và cam kết gắn bó lâu dài) của nhân sự Việt xuống mức thấp nhất 5 năm qua. Tính đến hết quý 3, chỉ có 49% người đi làm có các chỉ số hạnh phúc tích cực.
Cá nhân tôi có lẽ cũng nằm trong 51% người cảm thấy không hạnh phúc khi đi làm. Làm cho các tổ chức tư nhân, người ta không thấy thực trạng này quá rõ, nhưng với nhiều khối nhà nước, bộ máy nhân sự có thể phình to khủng khiếp, nhưng thực tế hệ thống được vận hành chỉ bằng vài người.
Tôi vẫn nhớ mãi ngày mình còn đi làm cho một tổ chức như thế. Lắm lúc tôi muốn làm thật nhanh, hoàn thành thật tốt công việc ở cơ quan, để tranh thủ thời gian làm chuyện khác, hoặc đơn giản là không muốn phải chờ đợi mà thôi. Thế nhưng, tôi vẫn cứ bị tắc vì công việc yêu cầu sự kết hợp của nhiều cá nhân.
Khi tôi lên tiếng hối thúc thì họ bảo "muốn nhanh thì tự đi mà làm". Và đúng thật, vì muốn nhanh chóng hoàn thành công việc được giao nên tôi phải làm thay luôn công việc của chừng bốn người khác, ở bốn bộ phận khác nhau trong công ty. Nhưng vậy vẫn chưa hết, người ta thấy tôi một mình vẫn làm được việc nên về sau cứ mặc định luôn rằng đó là việc của tôi, đẩy hết việc sang cho tôi làm tất.
>> Gánh việc cho đồng nghiệp nghỉ xả hơi
Sau này, chịu không nổi nên tôi xin nghỉ để tự ra làm riêng. Càng ngày, tôi càng thấy rõ, đời này không có gì là công bằng tuyệt đối, ở bất cứ môi trường nào cũng vậy. Nhưng, người cố gắng sẽ không đòi hỏi mà tìm cách giành lấy, và quyết định luôn mọi việc. Kêu ca và đòi hỏi chỉ là dành cho những người thiếu bản lĩnh.
Ví dụ như trong cuộc thi chạy, bạn về Nhì. Người ta về nhất chỉ trước bạn có vài giây, có thể lợi thế hơn vì được mang giày phụ trợ tốt hơn cho việc chạy. Nhưng bạn cũng không thể đòi hỏi công bằng. Nếu bạn đủ nhanh để bỏ xa đối thủ, bất chấp lợi thế từ cái giày mang lại, thì bạn sẽ chẳng còn phải lo bị thua vì chút bất lợi ban đầu đấy nữa.
Với suy nghĩ như vậy, tôi đã tự tách ra và giành lấy những thứ mình xứng đáng nhận được. Chúc các bạn cũng sẽ tự quyết được cuộc đời mình, mà không phải trông chờ vào những thứ khách quan mang lại, để rồi khi không có được lại mải miết đòi hỏi sự công bằng.
* Bạn có đang cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình?
Bài viết gửi về địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
- 'Người không phải chạy ăn từng bữa mới chê việc văn phòng'
- Hét lương cao khi phỏng vấn xin việc
- Nhảy việc vì 37 tuổi nhưng lương vẫn 13 triệu đồng
- Chê việc văn phòng vì ảo tưởng freelancer 'việc nhẹ lương cao'
- U50 muốn bỏ việc văn phòng lương 20 triệu để ra ngoài mở shop quần áo
- 'Nhân viên không dọn vệ sinh văn phòng sẽ bị đánh giá kém cuối năm'