Tôi đang sinh sống ở Berlin và làm việc cho một công ty lớn ở Đức. Trước khi vào đây, tôi cũng đã trải qua nhiều buổi phỏng vấn tuyển dụng ở nhiều công ty lớn, nhỏ khác nhau, nên cũng có khá nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, đặc biệt là câu chuyện "deal lương" được chia sẻ trong bài viết "Sinh viên mới ra trường đòi tôi trả lương 25 triệu".
Khi phòng nhân sự đưa ra câu hỏi cho ứng viên về mức lương mong muốn trong vòng đầu tiên, câu hỏi đó có nghĩa là: "Để xem chúng tôi có đủ khả năng chi trả cho bạn ngần ấy với vị trí đó hay không?". Không phải bạn muốn đưa con số bao nhiêu cũng được. Vì nếu đưa ra con số quá lố, bạn chắc chắn sẽ bị loại ngay từ đầu.
Điều đó đòi hỏi mỗi ứng viên phỏng vấn phải tìm hiểu rất kỹ từ trước về thị trường lao động, quy mô công ty mà mình ứng tuyển, cũng như so sánh tương quan mức lương cùng vị trí trên thị trường. Chỉ có như vậy bạn mới có thể đưa ra một con số thích hợp, vừa thỏa mãn nhu cầu của bản thân, vừa khiến nhà tuyển dụng cảm thấy hài lòng. Ví dụ, vị trí bạn ứng tuyển là junior, nhưng bạn lại đòi mức lương tương đương với một senior thì chuyện bạn bị đánh rớt là đương nhiên.
>> Tôi bị sốc vì ứng viên Gen Z chê công ty trong buổi phỏng vấn xin việc
Kinh nghiệm của tôi trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng là sẽ đưa ra một khoản lương mong muốn thích hợp thay vì một con số cụ thể. Ví dụ tôi đề đạt nguyện vọng nhận được mức lương 70.000 - 90.000 USD (gross) một năm, chứ không đưa ra một con số cụ thể nào. Điều đó cũng sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng chấp nhận hơn, không bị đưa vào thế khó xử.
Sau khi có cơ hội bộc lộ hết khả năng của bản thân qua phỏng vấn, tới vòng cuối cùng, dựa trên khoảng lương đã nêu ra trước đó, tôi mới có thể đàm phán một con số cao nhất có thể (tất nhiên vẫn nằm trong khoảng định sẵn đó). Tới đây mới chính thức gọi là "đàm phán lương".
Sai lầm rất lớn mà nhiều bạn trẻ hay mắc phải trong quá trình phỏng vấn xin việc, đó là hét giá quá cao ngay từ buổi gặp đầu tiên với nhà tuyển dụng, ngay cả khi vị trí bạn ứng tuyển chỉ ở mức bình thường. Làm vậy, bạn không chỉ tạo một cái nhìn thiếu thiện cảm với nhà tuyển dụng, dễ bị họ đánh giá là "ảo tưởng sức mạnh", và chắc cũng chẳng có cơ hội vào được vòng sau để mà thảo thuận lương thưởng.
- Công ty tôi loại thủ khoa không biết tiếng Anh từ vòng đầu phỏng vấn
- Tôi xin được việc với bằng đại học trung bình, kinh nghiệm bằng không
- Sinh viên ra trường không kinh nghiệm khó có cửa vào công ty tôi
- Sinh viên ra trường 'mặc cả' lương nghìn đôla
- Chê việc văn phòng vì ảo tưởng freelancer 'việc nhẹ lương cao'
- Sinh viên ôm mộng 'cứ học giỏi sẽ kiếm được việc lương cao'