"Nhiều người đang lầm tưởng freelancer là công việc thoải mái, thích thì làm, không thích thì nghỉ. Thực tế, muốn làm freelancer, bạn phải có năng suất lao động cao, tính tự giác, kỷ luật cực kỳ cao. Giống như nhiều công việc văn phòng khác, freelancer cũng có KPI (chỉ tiêu), deadline, và cũng cần cam kết rất cao.
Chẳng ai trả tiền cho bạn chỉ để ngồi chơi không cả. Nếu bạn không đảm bảo đầu ra công việc thì chẳng ai muốn thuê bạn hết. Hãy nhớ rằng công việc freelancing không trả tiền cho bạn để ngồi lướt TikTok, Facebook như ở công ty.
Freelancer thường là những người có năng suất lao động cao đến nỗi họ không sử dụng hết thời gian trong một ngày làm việc bình thường. Do vậy, họ nhảy ra ngoài, làm tự do để cùng lúc có thể làm việc cho nhiều đối tác khác nhau. Nhờ đó, họ có thể kiếm được thu nhập gấp đôi, gấp ba lần - điều mà một công ty văn phòng không thể đáp ứng được.
Họ cũng có thể chỉ làm việc bốn giờ một ngày mà vẫn hoàn thành công việc. Và nhờ đó họ để ra được bốn giờ khác để nghỉ ngơi và dành cho gia đình. Mấu chốt ở đây là năng suất lao động của họ cao hơn những nhân viên văn phòng bình thường. Họ làm bốn tiếng bằng người làm văn phòng làm trong tám tiếng.
>> U40 chán ngấy việc văn phòng
Nếu bạn không thể hoàn thành công việc trong tám giờ của một ngày làm việc bình thường tại văn phòng, thì lấy cơ sở nào để người ta thuê bạn làm freelancer?
Có một thực tế là giới trẻ bây giờ nhiều người rất hay ảo tưởng về công việc. Họ nghĩ làm freelancer nhàn hơn, lương cao hơn, tự do hơn. Trong khi sự thật là làm cho công ty bạn còn có thời gian chết, chứ ra ngoài làm freelancer thì chẳng ai cho bạn lười cả. Bởi lúc đó, tất cả thời gian là của bạn, do bạn tự quản lý. Trừ khi bạn muốn làm ít đi và chấp nhận thu nhập thấp hơn, còn làm tự do thì hoàn toàn không có việc nhẹ lương cao".
Đó là quan điểm của độc giả Fool trước xu hướng thích làm việc tự do, thoải mái diễn ra mạnh mẽ ở lao động thuộc thế hệ Z (những người sinh ra từ năm 1997 đến 2012) và Y (1981 đến 1996), đây là hai nhóm chủ lực của thị trường lao động.
Báo cáo 10 năm nhìn lại Xu hướng nhân tài Việt Nam (2013-2023) của Anphabe chỉ ra rằng, làm việc linh hoạt là tiêu chuẩn mới xuất hiện nhưng có đến 47% lao động ưu tiên khi lựa chọn nơi làm việc lý tưởng. Tiêu chuẩn này đứng thứ hai chỉ sau thưởng nóng, thưởng một lần khi nhân viên đạt thành tích nổi bật.
- U50 muốn bỏ việc văn phòng lương 20 triệu để ra ngoài mở shop quần áo
- Tôi làm việc văn phòng không chán
- Gen Z đòi hỏi 'sếp dễ tính, đồng nghiệp dễ thương'
- 8X không xin nổi việc dù lương mong muốn chỉ hơn Gen Z 5 triệu đồng
- Đồng nghiệp gọi điện bàn công việc, tôi yêu cầu gửi mail
- Những nhân viên Gen Z 'vui thì làm, buồn là nghỉ'