Sau nhiều lần lên tiếng của báo chí thì những gông sắt bọc kín cây xanh ở Hà Nội đã dần được tháo ra. Trách nhiệm của cơ quan quản lý có vấn đề khi "đánh trống bỏ dùi", gông sắt vào cây rồi cứ bỏ mặc đấy muốn thế nào cũng được, điều này nhiều người đã nói. Tuy nhiên, có một điều quan trọng mà mọi người chưa nói đến. Đó là vấn đề trách nhiệm của những đoàn thể, đặc biệt là "trách nhiệm xã hội" của chính những người dân khi nhìn thấy những cây cối bị gông sắt như vậy mà không lên tiếng, hành động.
Trách nhiệm xã hội được hiểu là một lý thuyết đạo đức, trong đó các cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân của mình, và các hành động của một cá nhân phải mang lại lợi ích vì mục tiêu phát triển của xã hội. Muốn vậy, phải cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với phúc lợi của xã hội và môi trường.
Nếu những thành viên của các hội đoàn, người dân xung quanh, người đi đường đề xuất tháo dỡ gông sắt bọc thân cây từ sớm thì chắc chắn sẽ được xã hội ủng hộ. Người ta nói rằng, chỉ mất hai tiếng để các công nhân tháo những gông sắt này ra khỏi những cây xanh, thế nhưng không có ai lên tiếng mạnh mẽ. Bởi vậy mới có những hình ảnh đau lòng khi những vết sẹo của cây đã ăn chùm lên các gông sắt, trong khi các gông sắt đã hoen rỉ.
Người dân thấy việc bất bình mà bỏ qua, nhưng cái gì cũng đợi nhà nước, đợi chính quyền, rồi lại đổi lỗi cho chính quyền thì thật là nực cười. Làm thế thì đến bao giờ mới giải quyết được bất cập? Một số người vứt rác ra đường bừa bãi, không chút ngại ngần, nhưng lại đổ lỗi thiếu hình thức xử lý. Có người vượt đèn đỏ thường xuyên, nhưng lại đổ tại pháp luật thiếu nghiêm minh. Lại có người hối lộ để công việc của mình trơn tru, rồi lại than nhiều tiêu cực...
>> 'Ngán ngẩm và sợ hãi khi lái xe ở Việt Nam'
Tôi đã nâng cây xoài bị ngã đổ bên đường; đi đường nhìn thấy viên gạch tôi cũng dừng lại để nhặt vì sợ người khác đâm vào té ngã; nhìn thấy cái đinh sắt tôi cũng thu gom lại để người khác không đi vào gây nguy hiểm; khi thấy rơm rạ do bà con tuốt lúa vứt thành đống vào gốc cây, tôi bốc chúng ra xa vì sợ người ta sẽ đốt rơm rạ làm cho cây chết... Tôi làm những việc này rất nhiều năm rồi, nhưng chỉ thấy những ánh mắt kỳ lạ nhìn mình như một người lập dị.
Để ý kỹ, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một điều đáng buồn hiện nay là đôi khi làm việc tốt lại có vẻ kỳ quặc. Chẳng hạn như người tuân thủ đúng luật lệ giao thông, đợi đèn xanh mới đi, không leo lên vỉa hè khi tắc... lại bị cho là hâm dở, lập dị. Đôi khi những việc làm tốt, dù nhỏ thôi, cũng làm người ta xuýt xoa, thậm chí được tung hô rần rần trên mạng.
Mỗi người công dân, ngoài được hưởng những quyền lợi, thì còn phải có nghĩa vụ với nhà nước. Không phải lúc nào cũng hỏi: "Tổ quốc đã làm gì cho ta?" mà quên mất một câu hỏi quan trọng: "Bạn đã làm gì cho Tổ quốc?". Xã hội sẽ thế nào khi làm việc tốt lại trở thành bất thường; thấy những chuyện chướng tai, gai mắt lại "mũ ni che tai" hoặc chờ nhà nước...? Đất nước sẽ đi về đâu nếu mọi người quên mất "trách nhiệm xã hội" của mình?
Những trường đại học danh tiếng của Mỹ khi tuyển sinh, ngoài yếu tố điểm số, thì yếu tố vì cộng đồng có điểm cộng rất lớn. Còn slogan của trường đại học nơi tôi học là: "Tiên phong - Sáng tạo - Trách nhiệm xã hội". Mỗi hành động đẹp sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Sống để phụng sự người khác mới là một cuộc đời đáng sống - "only a life lived for others is a life worthwhile" (Albert Einstein).
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.