Tôi rất đồng tình với quan điểm "thấy phiền khi đồng nghiệp tranh trả tiền ăn" của tác giả Phú Dũng. Chuyện ăn uống hàng ngày với đồng nghiệp, tốt nhất nên tiền ai nấy trả, chứ tranh giành nhau chẳng để làm gì. Tôi thấy người ta thường giành trả tiền chủ yếu là vì sĩ diện. Mà thà rằng người giành trả tiền khá giả hơn những người còn lại thì không nói, đằng này nhiều người kinh tế cũng chẳng dư dả gì nhiều cũng vẫn giành trả cho bằng được, gây khó xử cho người đối diện.
Tôi quen nhiều người tài chính rủng rỉnh nhưng họ lại chẳng rơi vãi đồng nào cho ai mà không có lý do chính đáng. Thậm chí, khi không cả nể mà thực sự quý mến đồng nghiệp, họ cũng có nhiều cách khác để thể hiện tình cảm của mình, không nhất thiết phải trả tiền ăn uống cho người khác. Người có lòng tự trọng cũng không hề thích nợ nần ai thứ gì, không thích được bao.
Tôi ăn một bữa, có khi gọi thêm cái này, cái nọ tới 2-3 lần, nên không tiện thanh toán từ đầu. Và nhiều quán cũng chỉ nhận tiền sau khi khách đã dùng xong bữa. Thế nên, nhiều người hay tranh thủ cơ hội này để đứng lên trả tiền bao tôi ăn uống, hoặc lẳng lặng trả tiền cho tôi rồi rời đi mà không nói câu nào. Tôi không thích điều đó, không thấy đó là hành động văn minh, lịch sự gì, cũng không hề thấy biết ơn, cảm kích vì được đồng nghiệp trả tiền bữa ăn cho mình.
Bản thân tôi làm ra tiền, đâu phải vô gia cư hay đói ăn, khát uống gì đâu mà phải làm thế. Tôi chỉ thấy ngại và phiền thôi. Công việc, cuộc sống đã có bao nhiêu thứ phải ghi nhớ rồi, nay lại còn phải nhớ thêm ai đã trả tiền ăn cho mình để tìm lúc mời lại theo kiểu trả nợ, rất mệt mỏi. Mà lỡ tôi quên luôn chuyện mời trả thì có khi trong lòng họ lại hậm hực, nghĩ mình không biết điều.
>> Sao sếp phải trả tiền bao nhân viên ăn nhậu?
Người Việt có nhiều suy nghĩ rất buồn cười là cái gì cũng phải có qua có lại. Kiểu như chuyện cưới xin chỉ có một lần trong đời, nên nếu lúc trước cưới họ, tôi mừng ngần này tiền, thì nay họ cũng phải mừng cưới lại tôi tương đương chứ không được kém. Tôi mới đọc bài tâm sự một người oán trách bạn mình chỉ vì lúc bạn cưới, người đó mừng 8 triệu đồng (tương đương hai chỉ vàng) nhưng 5 năm sau, bạn đó chỉ mừng cưới lại 8 triệu đồng (bằng một chỉ vàng ở hiện tại).
Chính tư tưởng phải "trả nợ" sòng phẳng như vậy nên chuyện giành trả tiền ăn cho đồng nghiệp cũng sẽ kéo theo rất nhiều phiền toái sau này. Nói vui, ngay cả hẹn hò bạn gái lần đầu mà nhiều người bây giờ còn muốn phải chia tiền ăn uống, vậy thì cớ gì lại giành trả tiền ăn cho đồng nghiệp? Bát phở với ly trà đá đúng là chẳng đáng bao nhiêu nên tốt nhất của ai người đấy tự trả, đừng nợ nần nhau.
Ở đây, chẳng có gì gọi là văn hóa, phong tục cả. Văn hóa phải được chấp nhận bởi số đông, được mọi người cùng áp dụng chứ không phải vài người thích làm vì sĩ diện rồi bắt người khác phải đồng thuận theo. Tôi có thừa trải nghiệm để hiểu tâm lý của những người giành trả tiền. Đó là do cả nể, hay sợ sệt người khác nghĩ này, nghĩ kia, sợ bị xem thường, sợ bị coi là keo kiệt, phán xét cách chi tiêu của nhau... Không ai trả tiền bữa sáng cho đồng nghiệp vì hào sảng cả, bởi chẳng có thứ hào sảng nào đáng giá vài cái chục nghìn đồng như vậy hết.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.