Đọc bài viết "Cha mẹ mời nhiều người lạ mặt dự đám cưới tôi" của tác giả QHN Thuy tôi lại thấy hình ảnh của mình trong đó. Câu chuyện đám cưới của tôi cũng giống như vậy khi tôi từng rất phân vân giữa việc tổ chức một đám cưới đơn giản, gọn nhẹ, hiện đại theo kiểu phương Tây, hay sẽ làm theo kiểu truyền thống cho vừa ý cha mẹ?
Tôi sinh năm 1993, thuộc thế hệ đầu 9X, nhưng ngay từ thời mới 19-20 tuổi, tôi đã rất thích những đám cưới theo kiểu phương Tây, vì nó ấm cúng, gọn nhẹ, chỉ mời những người thân thiết và quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Làm vậy, cô dâu, chú rể lại không phải mệt mỏi vì đứng nguyên ngày, đi chào hỏi, chúc tụng từng bàn, từng người mà mình không quen như các đám cưới truyền thống ửo Việt Nam.
Bản thân tôi lại không quan trọng chuyện tiền mừng, nên càng không muốn cứ phải mời cưới lấy được theo kiểu mời nhiều để thu tiền mừng nhiều với mong muốn "bù lỗ". Cũng vì suy nghĩ như vậy mà khi quen và yêu anh chàng nào, tôi cũng chia sẻ thẳng thắn về mong muốn sau này sẽ làm đám cưới hiện đại như vậy.
Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, cuối cùng tôi lại lấy chồng Tây. Tất nhiên là tôi cũng không giấu giếm ý định sẽ tổ chức một đám cưới kiểu Tây. Nghe vậy, ba mẹ sốc vì tôi chỉ muốn tiệc cưới mời đâu đó 30 người thân thiết. Còn chồng Tây của tôi cũng sốc vì anh thậm chí còn thích tiệc cưới linh đình, rôm rả theo kiểu thuần Việt hơn là mấy tiệc cưới buồn tẻ của phương Tây.
>> Mệt mỏi vì những đám cưới chẳng biết khách mời là ai
Bàn lên tính xuống, tranh luận, đấu tranh qua lại, cuối cùng tới 30 tuổi tôi mới chịu cưới chồng. Và lúc này, suy nghĩ của tôi cũng không còn bộc trực như trước nữa. Có lẽ vì nhiều tuổi hơn nên tôi bắt đầu cân nhắc nhiều phía. Tất nhiên, đám cưới của mình nên tôi muốn mọi thứ phải theo ý mình. Nhưng tôi cũng phải nghĩ cho ba mẹ và gia đình nữa. Bời dù gì, đây cũng là dịp để ba mẹ tôi gặp lại bạn bè và họ hàng xa, để cùng họ chung vui khi con cái yên bề gia thất. Mà mong muốn đó cũng đâu có gì sai?
Vậy nên, sau tất cả, tôi quyết định chia đám cưới của mình làm đôi, tổ chức hai bữa tiệc riêng biệt: một buổi tiệc tôi tổ chức theo ý mình (phong cách hiện đại, đúng với nghi lễ phương Tây); còn buổi tiệc thứ hai tô làm để chiều ý ba mẹ và chồng (theo truyền thống Việt Nam, mời 300 khách, chủ yếu là bạn bè của ba mẹ và họ hàng gần xa, lâu ngày không gặp).
Tất nhiên, đám cười truyền thống của tôi không có hát hò ầm ĩ, chỉ mở nhạc nhẹ du dương, để vợ chồng tôi không cảm thấy bức bối vì ồn ào, mệt mỏi. Điều khiến tôi ngạc nhiên là chồng Tây cực kỳ thích thú với các nghi lễ cưới hỏi truyền thống của người Việt. Anh cũng vui vẻ chào hỏi, giao lưu với toàn bộ khách mời của ba mẹ tôi. Nhìn các khách mời có thời gian nói chuyện với nhau trong không gian nhẹ nhàng, ấm cúng, tôi tin mình đã làm đúng.
Sau tiệc cưới hôm đó, tôi thấy ba mẹ được khách mời khen hết lời vì cách tổ chức vừa truyền thống, vừa hiện đại, lại văn minh, bỏ bớt các thủ tục rườm rà, không cần thiết, đỡ tốn chi phí linh tinh, tập trung vào chất lượng đồ ăn, đồ uống cho khách mời... Nhờ đó, khách mời của tôi ai cũng vui vẻ ra về với chiếc bụng no căng và những kỷ niệm đẹp.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Tôi mời cưới 100 người vì không muốn khách tới 'trả nợ'
- Những đám cưới 'mời cả làng'
- Mời cưới 50 khách, lỗ 25 triệu đồng
- Nhóm bạn thân 10 năm không ai đến dự hay gửi tiền mừng cưới tôi
- Bạn bè gửi tiền mừng cưới dù tôi không mời
- 'Bạn tôi làm đám cưới chưa tới 1.000 USD tại Mỹ'