"Tôi dự định sắp tới sẽ về Việt Nam để làm đám cưới lần hai với chồng Tây. Đó sẽ là một đám cưới đơn sơ và ấm cúng. Tôi sẽ chỉ mời những người thân quen, họ hàng, bạn bè gần gũi đến chung vui với mình. Tôi cũng sẽ không nhận tiền mừng.
Thực ra, kế hoạch không nhận tiền mừng cưới của tôi không ai biết, nhưng đã có rất nhiều bạn bè của tôi đăng ký chỗ để tới dự rồi. Ai cũng hối thúc tôi làm đám cưới to, họ nói: "Nhiều người cưới lần hai cũng làm tiệc linh đình lắm, có sao đâu?".
Nghe vậy, tôi chỉ cười trừ. Đám cưới linh đình tôi đã trải qua rồi. Còn giờ, tôi chỉ thích những thứ đơn sơ, ấm áp và nhất định không nhận tiền mừng của mọi người. Tôi nghĩ làm vậy mới đúng với câu viết trong thiệp mời cưới: 'Sự hiện diện của bạn là niềm vinh hạnh với gia đình chúng tôi'".
Đó là chia sẻ của độc giả Nguoixala sau bài viết "Nhắm mắt đi ăn cưới với phong bì 100.000 đồng". Sự phát triển của ngành công nghiệp đám cưới khiến chi phí tổ chức ngày một tăng cao, gây áp lực cho chính cô dâu, chú rể, lẫn khách mời. Những đám cưới truyền thống với hàng trăm khách mời có thể tiêu tốn của các cặp đôi tới vài trăm triệu đồng - con số không hề nhỏ với cả những gia đình trung lưu. Trong khi đó, người tới dự cũng loay hoay không biết mừng cưới bao nhiêu cho đủ, để vừa không làm mất lòng gia chủ, vừa nằm trong khả năng tài chính của mình.
>> 'Tôi không đi đám cưới nếu tiền mừng quá một triệu đồng'
Ủng hộ đám cưới tiết kiệm, không đặt nặng quà cưới và tiền mừng, bạn đọc Eurthho nêu quan điểm: "Đã đến lúc chúng ta nên thay đổi suy nghĩ về việc tổ chức tiệc cưới và tham dự đám cưới là phải có quà và tiền mừng. Theo tôi, nên suy nghĩ đơn giản rằng người tổ chức có khả năng đến đâu thì tổ chức đám cưới đến đó, và người tham dự có mặt là vui rồi. Chủ nhà mời và trông đợi khách tới dự phải có quà cáp hay tiền mừng và tính toán lời lỗ từ đó thì nhất định không phải là mời, mà là giấy đòi nợ hay ép mua phiếu ăn giá cao.
Lễ cưới và tiệc cưới là chuyện vui của cá nhân và gia đình, không nên xem là cơ hội để gom góp tiền mừng hay mong đợi người ta cho mình quà cáp giá trị. Có đủ khả năng thì tổ chức tiệc và mời đúng nghĩa, còn không thì chỉ nên gửi thiệp báo tin và ít bánh kẹo đến hàng xóm và những người làm việc cùng trước hay sau lễ cưới.
Những năm trước, ngay tại Sài Gòn cũng thế thôi: bánh kẹo, thuốc lá, trà rượu còn thiếu thốn, cô dâu chú rể tự chở nhau đến nhà nhau, bái lạy tổ tiên để ra mắt, mọi người vẫn vui vẻ, vợ chồng vẫn sống với nhau đến đầu bạc răng long đấy thôi. Đâu phải cứ làm đám cưới to thì mới hạnh phúc?
Tóm lại, ai thích mời tiệc thì cứ tổ chức và cứ mời, ai không thể tham dự vì bất cứ lý do gì thì cứ khước từ và không cần phải giải thích. Và khi tham dự, tiền mừng, quà cáp như thế nào là tùy tâm chứ không nên áp đặt. Cứ theo tiêu chí 'sự hiện diện của bạn là vinh dự cho gia đình chúng tôi' mà thực hiện".
* Bạn thường mừng cưới bao nhiêu tiền? Tiền mừng cưới có phải áp lực với bạn?
Bài viết gửi về địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
- Đám cưới 'thùng rỗng kêu to'
- Đám cưới 'đẹp mặt' làm khổ cả chủ nhà lẫn khách
- 'Tiền đi đám ma, đám cưới quá tiền ăn'
- Đám cưới vui vì khách mừng bằng tiền
- Lạc quẻ vì mừng cưới kiểu Tây trong đám cưới kiểu ta
- Cô dâu, chú rể khó chịu khi tôi mừng cưới bằng hai chai champagne