Ngày nay, tôi thấy nhiều người có tư tưởng ngồi chờ bong bóng bất động sản vỡ, giá nhà đất hạ nhiệt. Cá nhân tôi cho rằng đó là một mơ mộng viển vông. Chỉ khi nào bánh mì, rau, thịt, xăng dầu, điện, vàng, đôla .. giảm về mức giá của 10 năm trước thì lúc đấy hãy tính đến chuyện giá bất động sản giảm.
Dù đúng là bong bóng nhà đất có tồn tại thật, thì cũng không có chuyện người ta sẵn sàng bán tống bán tháo bất động sản về giá thấp cho bạn mua đâu. Ngay cả nếu bị ngân hàng giải chấp thì họ cũng sẽ bán lại với giá có thể thu hồi vốn chứ không hề rẻ hơn.
Bố mẹ tôi đều là công nhân. Năm 2004, tôi học Công nghệ thông tin ra trường, lương khi đó chỉ có 2,5 triệu đồng một tháng. Đến tận năm 2013, lương của tôi vẫn bèo bọt 11 triệu đồng một tháng. Cũng vì nghèo mà tôi phải tự lực phấn đấu. Tôi tự nhủ nếu cứ mãi lẹt đẹt thế này thì chẳng biết đến bao giờ mới mua được nhà. Nên thay vì kêu ca, than vãn, tôi chọn cách đầu tư thời gian, công sức cho công việc, nỗ lực hết mình để kiếm tiền.
Nhờ đó mà đến giờ, thu nhập của tôi đã ở mức khá, tôi cũng có nhà và vài mảnh đất để đấy. Nếu ngày ấy, tôi cứ ngồi đó than thở giá nhà cao quá tâm với, thì chắc có lẽ cũng chẳng được lợi lộc gì, có khi còn không bằng hiện tại.
Vấn đề mấu chốt hiện nay là chênh lệch thu nhập trong xã hội, phân hóa giàu nghèo ngày một lớn. Do vậy, dù chúng ta có đánh thuế hay đưa ra bất kỳ chính sách nào, cũng không thể đưa giá bất động sản về mức thấp để người nghèo cũng có thể mua được, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Trong trung hạn và dài hạn, tôi tin giá bất động sản vẫn sẽ tăng. Chỉ có một cách duy nhất là nhà nước tiết kiệm quỹ đất, bỏ ngân sách xây chung cư và trực tiếp cho thuê lâu dài, đúng đối tượng, may ra người nghèo mới có chỗ ở ổn định.
>> Lãi 80% sau bốn năm mua đất
Còn về câu chuyện siết tín dụng bất động sản, tôi cho rằng, thực tế những chung cư, biệt thự cao cấp ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn vẫn ngày càng đắt, nhiều nơi giá lên tới mấy trăm triệu đồng một m2. Như vậy, đất ở các khu vực gần đó, hoặc vùng ven cũng sẽ đắt theo thôi. Siết tín dụng sẽ chỉ hạn chế được mấy người ít tiền "lướt sóng" kiếm ăn, chứ khó có thể hạn chế được các chủ đầu tư "hét giá". Và người giàu vẫn luôn sẵn sàng bỏ tiền mua để đó. Cuối cùng, nhà đất vẫn cứ tăng giá như thường.
Có thể nói, đất là tài sản, cũng như vàng hoặc ngoại tệ. Bạn mua mảnh đất với giá một tỷ, 10 năm sau nếu không có nhu cầu dùng nữa, bạn có bán cho người khác bằng giá một tỷ như lúc mua ban đầu không? Nên nhớ, hàng năm đều có trượt giá, nên một tỷ đó sau 10 năm nữa chắc chắn sẽ mất nhiều giá trị. Vậy nên, đừng mơ giá nhà đất sẽ "đứng yên" chờ bạn thong dong kiếm đủ tiền để mua.
Tôi nhớ 10 năm trước, nhiều người cũng than thở rằng giá nhà đất "trên trời". Nhưng thử nhìn xem, vài năm gần đây, giá thực tế đã gấp mấy lần cái mức "trên trời" năm đó. Thế nên, hãy sống thực tế, tìm cách mà kiếm nhiều tiền hơn thay vì thụ động ngồi chờ giá nhà hạ nhiệt bằng các biện pháp vĩ mô.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.