Chỉ còn hai ngày nữa là tất cả học sinh trên cả nước sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Mỗi lần được nghỉ dài, thầy cô giáo đều cho rất nhiều bài tập với mục đích để học sinh không quên kiến thức cũ. Đối với học sinh, tất nhiên chẳng em nào thích vậy vì không được vui chơi thoải mái. Vậy cần làm gì để thời gian nghỉ Tết đối với học sinh thực sự có ý nghĩa?
Thời gian nghỉ Tết là để học sinh thư giãn, nạp lại năng lượng, cân bằng tâm lý, sum họp gia đình, vui chơi sau một thời gian học tập đầy căng thẳng. Việc học sinh nghỉ Tết ở nhà làm gì trong những ngày nghỉ hiện có hai luồng ý kiến trái ngược nhau: một bên ủng hộ thầy cô giáo giao bài tập Tết, số khác lại cho rằng không nên giao bài tập Tết cho học sinh.
Những năm trước đây, giáo viên các trường thường giao rất nhiều bài tập, đến nỗi học sinh nghỉ nhưng ngày nào cũng phải học thì mới làm được hết bài. Tuy nhiên, thầy cô giáo bây giờ ngày càng tâm lý và hiểu học sinh hơn. Theo tôi, khác biệt nằm ở cách giao bài khiến học sinh vui vẻ đón nhận, thậm chí vô cùng hào hứng. Bài tập Tết của con gái tôi ở lớp 3 một trường tại Hà Nội là một ví dụ
Theo đó, giáo viên giao cho lớp con tôi nhiệm vụ Tết đặc biệt. Không phải danh sách bài tập các môn học quen thuộc như Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh... mà là những nhiệm vụ thiết thực để trẻ có một cái Tết ý nghĩa. Nội dung gồm ba phần: nhiệm vụ, chia sẻ trải nghiệm và chia sẻ cảm xúc. Phần một có sáu nhiệm vụ chính mà học sinh cần hoàn thành là: dọn dẹp góc học tập, phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, ghi lại tên một số món ăn ngày Tết, gửi lời chúc Tết đến người thân, gửi lời cảm ơn khi em nhận được lì xì, gọi điện thoại chúc Tết thầy cô và bạn bè em yêu quý. Phần hai học sinh phải chia sẻ trải nghiệm những ngày nghỉ Tết của mình. Phần ba là chia sẻ cảm xúc bằng cách vẽ vào bông hoa đào.
Riêng đối với tôi, Tết là cơ hội để dạy con biết, trải nghiệm những nét đẹp giá trị truyền thống của gia đình mình như: cúng tiễn đưa ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), đi tảo mộ, bày mâm ngũ quả, gói bánh chưng, cúng tất niên... Những điều này giúp học sinh có trải nghiệm, hiểu về đặc trưng Tết cổ truyền của dân tộc. Đó chính là những nét đẹp văn hóa của người Việt được lưu truyền từ đời này sang đời khác, cần được gìn giữ phát huy để những giá trị đó được trường tồn, giúp các em hiểu về cội nguồn dân tộc, không đánh mất bản sắc văn hóa trong thời buổi hội nhập thế giới ngày nay. Điều đó có ý nghĩa hơn nhiều việc giao những bài tập với những con số, tính toán khô khan, lý thuyết.
>> Cô giáo bắt làm 6 trang bài tập ngày nghỉ lễ
Suốt ba năm từ lớp 1 đến lớp 3, tôi vui vì các thầy cô của con luôn có cách giao bài tập Tết sáng tạo, thu hút sự quan tâm, sự hào hứng của học sinh, phụ huynh. Đó không phải những bài tập mang tính hàn lâm, sách vở mà là các hoạt động trải nghiệm thực tế. Quan trọng hơn việc học kiến thức, chúng ta cũng cần tạo điều kiện để học sinh có khoảng thời gian nghỉ Tết thực sự, sum họp bên gia đình, vui chơi, đảm bảo sức khỏe, giúp các em có tâm thế thoải mái, chủ động và phát huy tính tự giác, tích cực trong những hoạt động ngày Tết.
Tôi rất ủng hộ cách làm này và mong rằng, trường nào, giáo viên nào cũng tâm lý và giao được những bài tập "thấu tình đạt lý" như vậy. Chờ đến khi con được nghỉ học chính thức, tôi sẽ cho con gái về quê đón Tết với ông bà, để con được mặc sức chạy khắp cánh đồng, biết thế nào là ruộng lúa, con bò, con trâu, biết phân biệt các loại cây, loại rau, loại hoa quả mà ở Hà Nội không có cơ hội được ngắm, biết tưới cây, bắt sâu cho cây, biết đi chúc Tết họ hàng...
Học sinh nào cũng mong sẽ được nghỉ thật dài và chơi Tết thật vui. Đặc biệt, không phải vất vả vì những bài tập được thầy cô giao, không em nào phải kêu khổ vì bài tập Tết. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, việc giảm thiểu bài tập về nhà hoặc chuyển hướng thành các nhiệm vụ "rèn luyện kỹ năng, phát triển nhân cách" cho trẻ dịp Tết sẽ đúng xu hướng và gặt hái nhiều quả ngọt hơn.
Giáo dục học sinh là cả một quá trình, không phải vì làm bài tập ngày Tết mà các em trở nên giỏi hơn. Vì vậy, nhà trường, giáo viên và cả phụ huynh phải nhìn nhận vấn đề đa chiều với tầm nhìn xa trong quá trình giáo dục con trẻ. Hãy biến bài tập về nhà trở thành động lực thay vì áp lực cho học sinh. Mỗi trải nghiệm mà con có được sẽ khiến trẻ cảm thấy bản thân có giá trị trong gia đình và các em sẽ đón nhận bài tập Tết với sự hào hứng, vui vẻ, hạnh phúc.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.