Có một bài toán là tìm ra điểm bất thường trong việc thanh toán của khách hàng.
Tôi đã có một sáng tạo là mô hình chuỗi thời gian và áp dụng đạo hàm để tính ra các điểm bất thường (anomalies). Cách làm này mang lại giá trị lớn cho ngân hàng khi nó tiết kiệm được thời gian trong việc phát hiện và xử lý tình huống. Về bản thân, tôi đã xuất bản một bài báo được nhiều trích dẫn.
Chủ đề về việc nên học gì gần đây thu hút sự chú ý của nhiều độc giả. Với góc nhìn của người đã từng làm khoa học và nay đã chuyển sang một ngành khác, tôi xin chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này.
Bài viết này nhằm mục đích trả lời cho câu hỏi có nên học các môn Toán, Lý phức tạp hay không nhưng không trả lời học như thế nào, có nặng hay đánh đố không. Vì nếu muốn đánh đố, nhiều bài toán tiểu học đã đủ độ khó khiến người lớn bó tay chứ chưa cần đợi đến tích phân, đạo hàm.
Quan điểm của tôi là có, chúng ta nên dạy vì một số lý do như sau: nó hiện hữu trong đời sống, nó thúc đẩy sáng tạo và nó xây cho bạn một thế giới quan. Những kiến thức này hiện hữu trong cuộc sống bình thường.
Có bài viết về so sánh tích phân, đạo hàm với bà bán rau, tôi cho rằng ví dụ này hơi gượng ép.
Tôi xin lấy một ví dụ khác thế này, giả sử công ty bạn mỗi ngày sản xuất 1000 sản phẩm với mức sai sót cho phép là 5% số sản phẩm, có một bên cáo buộc công ty bạn bán sản phẩm kém chất lượng vì họ lấy ngẫu nhiên 20 sản phẩm mỗi ngày mang đi thẩm định và thấy lỗi trung bình 10/20 sản phẩm trong liên tục một tuần.
Họ liên tục đe dọa, khiếu kiện, bôi nhọ công ty bạn trên truyền thông, vậy bạn phải chứng minh mình đúng hoặc sai thế nào?
>> Tích phân và 'chiếc chân chống made in Vietnam bị lỗi'
Đây là một ví dụ rất cơ bản về áp dụng phân tích A/B (A/B testing), thứ mà bạn phải biết tích phân để tính xác suất trong phân bố chuẩn (normal distribution). Tất nhiên, bạn có thể thuê một chuyên gia tính cho bạn, nhưng với tôi, tôi chỉ cần 10 phút, một tờ giấy và cây bút có thể cho ra đáp án, và bạn có thể dùng nguồn lực thuê chuyên gia và thời gian để đối phó với nhưng tin đồn nhảm.
Hơn nữa, bạn nắm rõ kiến thức, kỹ thuật, rất khó để người khác bắt bẻ hay tung tin làm hại đến bạn. Những kiến thức này giúp bạn khai phá tiềm năng, tìm tòi sáng tạo.
Tôi vẫn còn nhớ, ngày trước học ngành vật lý thuần, có những kiến thức được coi là cao cấp (advanced) là những thứ được phát minh từ 1950s, có nghĩa là tầm 70 năm trước. Nhưng khi chuyển sang ngành khoa học dữ liệu (một ngành hot có nhiều người học hiện nay), những mô hình được coi là cao cấp (SOTA) là... một năm trước.
Cái thời các bạn đi học 4 năm đại học, học lấy kiến thức cứng để dùng vài chục năm sau nó đã qua rất lâu rồi. Khi chuyển sang ngành mới, tôi phải tự học các mô hình học máy, mà tràn ngập trong đó là đạo hàm để tính điểm cực trị, vector, tensor, đại số tuyến tính, xác suất thống kê...
Nếu chỉ chăm chăm đi học những thứ đơn giản, thì tôi không bao giờ lĩnh hội được kiến thức đủ nhanh để theo kịp. Khoa học công nghệ biến đổi từng ngày một, tôi luôn phải liên tục cập nhật kiến thức trên các khóa học online, Youtube, Google.
Nếu bạn tham gia vào ngành kỹ thuật, tốt nhất bạn nên học chắc kiến thức toán, nó là nền tảng để bạn học thêm trong hàng chục năm sau.
Những kiến thức này không nhằm biến bạn thành giáo sư toán mà bạn cần phải học để biết nó có tồn tại để rồi một ngày ngẫu nhiên nào đó bạn mang ra phát triển, phát minh, cải tiến trong công việc.
>> 'Kiến thức phổ thông chắp cánh cho sáng chế, không phải đánh đố để thi cử'
Việc mình bạn không áp dụng/cải tiến cũng không sai nhưng khi có 100 triệu dân, chỉ cần 0.1% trong đó cải tiến sản xuất đã là thành quả rất lớn của đất nước rồi. Những kiến thức này xây dựng cho bạn một thế giới quan. Nếu chỉ chăm chăm học những thứ hàng ngày sử dụng được, tôi sẽ không cần phải biết trái đất quay xung quanh mặt trời, có 8 hành tinh trong hệ mặt trời, trái đất hình cầu hay các nguyên tử/phân tử...
Thế nhưng các môn học vẫn đề cập đến vì muốn xây dựng một thế giới quan cho bạn. Để bạn biết bạn đang đứng ở đâu, trên đầu bạn có gì, và bạn là ai, ở đâu trong vũ trụ này. Đó, đi sâu hơn, là thỏa mãn trí tò mò khởi nguyên từ lúc lọt lòng của con người.
Nhưng, sách giáo khoa không thể gạch đầu dòng theo kiểu ném ra các sự thật như vậy cho học sinh vì kiến thức là vô hạn, mà nó phải đi từ gốc đến ngọn, phải có luận điểm, nghiên cứu, chứng minh mà toán học là công cụ trong việc đó.
Ví dụ, tại sao trái đất hình cầu? bạn phải biết lực ly tâm, để biết lực ly tâm, bạn phải biết vector, bạn phải biết đạo hàm rồi đi sâu đến 1+1=2 từ lớp một của bạn.
>> Vì sao học sinh Việt giải Toán 'dễ như ăn kẹo' nhưng kém sáng tạo?
Đó là ba đặc trưng của một nền giáo dục: tính hệ thống (systematic), chính xác (accurate) và mô phạm (pedagogical). Vậy thì tại sao chúng ta cần phải có một thế giới quan? Để bạn không tham gia vào những hội trái đất phẳng (flat earth), phá máy phát sóng 5G vì sợ lan virus corona, bài vaccine hay sinh con thuận tự nhiên...
Nếu một người hỏi bạn:"tại sao trái đất có dạng cầu?" và bạn không nhớ các kiến thức vật lý, tôi sẽ thất vọng khi bạn trả lời thế này: "Tôi không nhớ rõ nhưng vì thầy trên lớp nói thế", đó là tư duy nô lệ, trên bảo dưới tuân. Còn một nền giáo dục thành công khi bạn trả lời:" Tôi cũng không nhớ rõ nhưng nó đã được chứng minh bởi các nguyên lý toán/khoa học rồi".
Hơn hết, cái quan trọng của giáo dục là phát triển con người, một con người có thể giới quan, hiểu mình ở đâu, làm gì, vì sao làm thế chứ không phải một cỗ máy không biết đúng hoặc sai. Những kiến thức tích phân, đạo hàm được phát minh từ 400 năm trước. Bạn nên biết để có một thế giới quan và là hành trang cho hàng chục năm đời người, để bắt kịp với tiến bộ nhân loại trong tương lai.
Tuan La
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.