Theo BBC, đã có ba cột phát sóng 5G tại Birmingham, Liverpool và Melling ở vùng Merseyside bị đốt trong tuần trước. Cảnh sát Anh xác nhận vụ việc và đang tiến hành điều tra nguyên nhân, thủ phạm.
Nhưng The Verge cho rằng, nguồn cơn tạo ra những cuộc tấn công trạm phát sóng viễn thông nằm ở tin giả nói mạng 5G là nguyên nhân phát tán virus corona, tạo ra dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới.
Trên một số nhóm mạng xã hội của Facebook và Nextdoor ở Anh, hàng nghìn người tin vào thuyết âm mưu xoay quanh việc virus corona có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), một trong những nơi vừa triển khai dịch vụ mạng 5G sớm trên thế giới. Sau đó, loại virus này lây lan và tấn công tới các thành phố, quốc gia đông dân khác cũng sử dụng mạng 5G. Tin giả này đã kích động nhiều người Anh đốt phá các trạm phát sóng 5G, cho rằng chúng là nguồn phát dịch bệnh và làm chết người.
Tình trạng đốt phá trạm phát sóng 5G khiến Trưởng văn phòng nội các Anh, Michael Gove, phải lên tiếng trên truyền thông, khẳng định không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào liên quan đến sự phát tán virus corona và mạng 5G. Hành động phá hoại trên là cực kỳ nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc ảnh hưởng của sóng 5G tới sức khoẻ cũng không chính xác.
Covid-19 là bệnh truyền nhiễm gây ra hội chứng suy hô hấp do một chủng virus corona mới nCoV gây ra từ cuối 2019 và đã lây lan thành đại dịch trên toàn cầu với hơn 1,2 triệu người nhiễm bệnh ở hơn 200 quốc gia trên thế giới, tính đến ngày 5/4. Tuy nhiên, sự lây lan của dịch bệnh là do tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh hoặc vật lưu giữ virus, thông qua các giọt dịch tiết mà người bệnh hắt hơi hoặc ho văng ra...
Bên cạnh việc đối phó với sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, nhiều quốc gia phải thắt chặt, xử lý vấn nạn tin giả trên mạng xã hội, Internet, để tránh gây ra ảnh hưởng xấu.
Tại Việt Nam, đã có nhiều trường hợp bị triệu tập và phạt vì phát tán các thông tin sai sự thật về dịch bệnh.
Mỹ Anh (theo TheVerge)