Có bạn phản biện bài viết của tôi và cho rằng phát minh sáng chế là khó. Chỉ đúng một nửa. Phát minh là khó vì ta phải tạo ra cái gì mà trước đó chưa từng có. Còn sáng chế thì không khó, nó đơn giản là cải tiến cái cũ thành cái mới tốt hơn mà thôi.
Ví dụ, cái điện thoại để bàn là một phát minh vì trước đó chưa từng có một dụng cụ liên lạc nào nhanh và trực tiếp như vậy. Từ cái điện thoại để bàn họ sáng chế ra điện thoại cầm tay (điện thoại con) có bán kính liên lạc (với điện thoại mẹ) vài chục mét. Từ điện thoại cầm tay họ sáng chế ra điện thoại di động "cục gạch" có thể nối mạng hàng trăm km.
Từ điện thoại di động "cục gạch" họ sáng chế điện thoại di động thông minh tích hợp đủ thứ sáng chế của các lĩnh vực khác tạo thành công cụ liên lạc đa chức năng – chức năng liên lạc, chức năng cập nhật tin tức, chức năng giải trí, chức năng ghi âm chụp hình quay phim, chức năng sổ tay bỏ túi, từ điển bỏ túi, máy tính bỏ túi...
>> Ngành giáo dục 'ủ bệnh' tiêu cực từ lâu, tới các kỳ thi là bùng phát
Mỗi năm Mỹ rất nhiều sáng chế. Họ làm nhiều như vậy mà gọi là khó sao? Chả ai biết ai là người đầu tiên phát minh ra cái cày để cày ruộng. Lúc đầu lưỡi cày làm bằng gỗ, rồi được sáng chế bằng kim khí. Lúc đầu người kéo cày rồi trâu bò kéo cày cuối cùng là máy kéo kéo cày. Tất cả đều là sáng chế cả đấy.
Nghe thì rất đơn giản nhưng nghĩ ra cái đơn giản ấy thì không phải ai cũng biết, trừ phi có người luôn vắt óc tìm cách làm sao cũng tạo ra cái đó nhưng đơn giản hơn, dễ sử dụng hơn, hiệu quả hơn...
Từ sáng chế ra dụng cụ cầm tay, người ta tiếp tục sáng chế ra máy móc bán thủ công rồi máy móc hiện đại điều khiển tự động. Tất cả những sáng chế ấy chỉ để tăng hiệu quả của một chức năng, một thao tác, một công việc nào đó. Rồi, bạn có ý tưởng sáng chế nhưng không biết làm thế nào để biến ý tưởng thành hiện thực.
Xin thưa, Toán Lý Hóa cơ bản mà ta học ở trường phổ thông chính là công cụ để biến ý tưởng thành hiện thực. Làm thế nào để biến chuyển động xoay tròn của một cái trục nằm ngang thành chuyển động xoay tròn của một cái trục thẳng đứng? Sử dụng bánh răng hình nón, phải không ạ?
>> 'Thay vì tổ chức thi dạy giỏi, hãy bắt buộc giáo viên đọc sách thường xuyên'
Làm thế nào để biến chuyển động tốc độ chậm thành chuyển động tốc độ nhanh? Trục có tốc độ chậm có bánh răng to, trục có tốc độ nhanh có bánh răng nhỏ. Quá đơn giản.
Bởi vậy, kiến thức phổ thông mới được gọi là kiến thức cơ bản, mọi kiến thức từ bậc đại học trở lên đều phải dựa trên kiến thức phổ thông.
Ý tưởng sáng tạo của loài người là không hạn chế. Không may, vẫn có cái chặn ngang con đường sáng chế ấy. Một là vật liệu chế tạo và hai là năng lượng. Người ta có thừa ý tưởng để tạo ra động cơ siêu nhỏ có công suất siêu lớn nhưng không tìm ra được vật liệu nào chịu nổi sức mạnh của cái động cơ ấy. Người ta có thể tạo ra máy phát điện công suất siêu lớn nhưng lại không tìm ra cách để tích trữ lượng điện dư thừa.
Tàu sân bay nguyên tử, tàu ngầm nguyên tử luôn phải mang theo nó một nhà máy điện nguyên tử mini – lò phản ứng hạt nhân công suất nhỏ. Nếu ai đó tìm ra loại vật liệu cần thiết để chế tạo động cơ nhỏ công suất lớn, tìm ra cách để có thể dự trữ toàn bộ năng lượng không dùng hết thì sự tiến bộ về khoa học sẽ là một bước đại nhảy vọt.
>> Những kẻ muốn gian lận thi cử đâu chỉ là phụ huynh, học sinh
Sẽ có vô số phát minh sáng chế trên giấy phải bỏ tủ cất kỹ vì hai hạn chế trên được lôi ra để biến thành hiện thực. Tóm lại, kiến thức bậc phổ thông là công cụ để phát minh sáng chế.
Thomas Edison chưa học hết lớp 6 mà có hơn một nghìn phát minh sáng chế là minh chứng. Còn kiến thức bậc học cao hơn là dùng cho việc gì? Là để hoàn thiện những sáng chế ấy, để chế tạo hàng loạt đồ vật ấy, để tìm cách làm sao sử dụng chúng tối ưu nhất, làm sao tích hợp chúng vào những máy móc có sẵn.
Khoa học bao giờ cũng đi từ đơn giản đến phức tạp, từ thô sơ đến hiện đại chứ làm gì có cái nào phức tạp, hiện đại ngay từ đầu. Chúng ta học kiến thức phổ thông chỉ để thi cử mà không để tìm cách ứng dụng thì khoa học của chúng ta sẽ khó tìm chỗ đứng trên thế giới.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.