Đánh giá về việc "Hà Nội dừng 12.400 chuyến xe buýt" để phòng chống Covid-19, nhiều độc giả VnExpress cho rằng giải pháp này không thực sự hiệu quả:
Ai đi xe buýt hôm nay mới hiểu, những người đi xe buýt là những người ở xa, hoặc vì lý do nào đấy bắt buộc phải đi. Chuyến ít hơn, chờ lâu hơn vẫn phải chờ. Thay vì 5-10 người trên xe thì hôm nay xe chật cứng, dồn các điểm lại. Thay vì giảm thiểu khả năng lây bệnh thì khả năng nhiễm bệnh giờ lại cao hơn nhiều. Công ty không cho nghỉ, không có phương tiện đi lại, những người đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Hãy dừng hẳn xe buýt. Nếu chỉ cắt 80% số chuyến nghĩa là để cho số người trong mỗi chuyến tăng lên. Như vậy càng tăng nguy cơ lây nhiễm hơn là giữ nguyên số chuyến. Thực chất không phải là biện pháp chống dịch mà làm tăng nguy cơ lây lan dịch.
Mọi khi trên xe buýt tuyến 103 chỉ có dưới 20 người/ xe thì sáng nay tôi thấy trên xe có khoảng 45 người/ xe. Như vậy, theo tôi nguy cơ sẽ tăng lên. Khách hàng chúng tôi cần có giải pháp phù hợp hơn nữa.
Thưc tế sáng ngày 27/3 tại các bến xe buýt và trên các tuyến xe: số người chờ ở bến đông gấp ba lần ngày thường. Chuyến 07 (chiều Nội Bài - Cầu Giấy), chuyến 61 (chiều Vân Hà - Cầu Giấy) đã quá tải, không thể cho khách lên xe. Hành khách trên xe đứng san sát nhau như những chuyến buýt giờ cao điểm khi chưa có dịch. Việc này còn làm tăng nguy cơ nhiễm chéo hơn bình thường nhiều lần.
Tôi hay đi tuyến bus 90 lúc 7h10, xuất phát từ Nội Bài có khoảng 5-6 khách, cửa mở thông thoáng, các hành khách ngồi cách nhau đủ điều kiện an toàn theo khuyến cáo 2m. Tuy nhiên, từ sáng nay do dồn ba chuyến làm một (bỏ chuyến 6h40, 7h00) do vậy lượng người dồn lại khoảng 40 người/ chuyến. Cửa xe thì ban đầu có mở nhưng sau đó khách tự đóng lại, như vậy càng tăng nguy cơ lây nhiễm cao. Những người chọn đi xe buýt thời điểm này thường là những người nhà ở quá xa (ví dụ như tôi nhà ở Nội Bài, làm việc ở Tây Hồ). Rất mong có giải pháp khác để đảm bảo an toàn cho mọi người trong mùa dịch bệnh này.
Giảm hay giãn chuyến không thực sự hiệu quả trong việc phòng chống lây nhiễm. Bởi vì nhu cầu đi lại là có thực, nên nếu chỉ là cắt giảm bớt chuyến hành khách lại dồn vào một chuyến nên chắc chắn sẽ đông. Nếu vẫn có ý định phục vụ vận chuyển khách thì để hạn chế đông thì quy định mỗi chuyến chỉ chở một số người nhất định. Nhưng việc mọi người lại tụ tập đông người chờ đón xe cũng rất nguy hiểm. Vì vậy, nếu cấm nhà hàng, quán xá thì cấm luôn vận tải công cộng. Nói chung việc này khó, cách gì cũng vướng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.
Thành Lê tổng hợp