Đọc bài viết "Bất lực và đơn độc", tôi rất đồng cảm với tâm tư của các y bác sĩ Việt Nam trước tình trạng thiếu tạng. Thống kê của Trung tâm Điều phối và Ghép tạng Quốc gia cho thấy đến nay có hơn 20.000 người đã đăng ký hiến tạng, nhưng tính đến cuối 2020, mới chỉ hơn 5.200 ca ghép tạng được thực hiện, trong đó phần lớn là ghép thận và gan, cơ quan con người có thể "cho" được ngay khi còn sống. Đó là một thực tế rất đáng buồn.
Tôi sống ở Mỹ và cũng đã đăng ký hiến tạng. Ở đây, quy trình hiến tạng rất đơn giản và tất cả mọi người trưởng thành đều có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, cũng như trực tiếp đăng ký. Thậm chí, mỗi khi làm đăng ký giấy phép lái xe, hoặc khi đổi bằng hết hạn, trong tờ khai luôn có một câu hỏi: Bạn có đồng ý hiến tạng hay không? Hiến bộ phận nào cụ thể hay hiến toàn bộ? Những người đăng ký hiến tạng thành công, bằng lái xe của họ sẽ có một vòng tròn nhỏ màu hồng, trên đó ghi chữ "donor".
Tôi thấy quy trình này rất đơn giản và dễ tiếp cận với đại chúng, bởi hầu như ai cũng cần bằng lái xe, mọi người sẽ đều có thể suy nghĩ và đánh dấu hiến tạng luôn trong lúc điền form. Con trai tôi cũng mới đổi bằng lái xe cách đây ít lâu. Khi họ trả bằng về nhà, tôi thấy trên đó cũng có đánh dấu "donor". Tất nhiên, con chẳng nói gì với tôi về chuyện đăng ký hiến tạng cả. Có lẽ, nó cũng coi đấy là một chuyện đương nhiên và rất bình thường.
>> Nỗi oan những bác sĩ 'vô cảm'
Trong khi đó, tôi được biết, ở Việt Nam, nếu muốn đăng ký hiến tạng, bạn phải đến một trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, mất thời gian đi lại, đăng ký nhiều thủ tục, giấy tờ, và lại chờ đợi rất lâu nữa để được xét duyệt. Nói chung, với quy trình như thế, không khó để hiểu vì sao rất ít người nghĩ đến chuyện hiến tạng.
Theo tôi, muốn để nhiều người tham gia hơn vào chương trình hiến tạng, bản thân các cơ quan chức năng cần phải có một chiến lược cụ thể để nâng cao nhận thức của người dân, tìm cách để tiếp cận đại chúng (ví dụ cho vào câu hỏi khi điền mẫu đăng ký giấy phép lái xe, căn cước công dân...).
Bên cạnh đó, cũng cần tìm cách thể hiện thật rõ ràng, để tất cả mọi tầng lớp người dân đều có thể dễ dàng nhận biết được ai là người đồng ý hiến tạng, đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp (ví dụ như ghi trên bằng lái xe, căn cước công dân - giấy tờ này ai cũng phải có và mang theo trong người mỗi ngày).
Tất nhiên, chẳng ai mong mình qua đời sớm, nhưng khi đã mất rồi mà vẫn giúp ích được cho đời, cứu sống được một ai đó, thì tôi nghĩ đa số chúng ta đều sẽ sẵn sàng hiến tạng và coi đó là chuyện đương nhiên, phải không?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.