Khi con gái nhỏ của tôi học lớp 2, Trường tiểu học của con có gửi phiếu khảo sát xin ý kiến phụ huynh về việc đưa môn Tiếng Trung giao tiếp vào chương trình đào tạo chính thức thành môn ngoại ngữ hai.
Khi đó, rất nhiều cha mẹ băn khoăn rằng: "Có nên cho trẻ học hai ngoại ngữ cùng một lúc khi còn bé vậy không?". Bởi vì, một tuần các học sinh lớp 1, lớp 2 đã học 21 tiết Tiếng Anh trên lớp, từ lớp 3 đến lớp 5 học 26 tiết. Giờ nếu học thêm Tiếng Trung - một ngoại ngữ vô cùng khó, liệu các con có học được không? Hay có phụ huynh lại lo lắng con học hai ngoại ngữ cùng lúc sẽ dễ bị lẫn lộn.
Tôi là một trong số những người rất ủng hộ chủ trương của nhà trường. Bản thân tôi cũng làm công tác giảng dạy bộ môn này cho sinh viên một số trường đại học, cao đẳng. Là người được theo học ngoại ngữ từ nhỏ, khi đi làm lại có nhiều năm tham gia giảng dạy ngoại ngữ, nên tôi tin rằng học đa ngôn ngữ không chỉ giúp trẻ tự tin giao tiếp mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện trong tương lai. Việc này có thể giúp trẻ hình thành tư duy linh hoạt và nhạy bén trong việc giao tiếp.
Sau khi có kết quả khảo sát, hơn 50% số phụ huynh trong trường đồng ý cho con học môn Tiếng Trung giao tiếp. Do vậy, nhà trường chính thức giảng dạy môn học này cho học sinh song song với môn Tiếng Anh. Giáo trình học là giáo trình dành cho học sinh tiểu học được nhập khẩu từ Singapore. Với môn học mới và khó này, nhà trường chỉ dạy học sinh cách viết phiên âm, giao tiếp bằng Tiếng Trung chứ chưa dạy các em viết chữ Hán. Mục đích là để học sinh có cơ hội làm quen với ngoại ngữ mới, tạo hứng thú với môn học này, có thể giao tiếp được mà không quá tạo áp lực khi học sinh tiểu học phải học viết chữ Hán giống như học sinh THPT.
Năm nay, con gái tôi đã chuẩn bị học xong lớp 3. Sau hai năm học ngoại ngữ thứ hai ở trường, buổi tối được mẹ kèm thêm, dạy viết một số chữ Hán đơn giản, đến nay con vẫn tiếp thu khá tốt và thích học. Mỗi khi chở con đến trường và đón con về nhà, tôi thường chủ động nói chuyện bằng tiếng Trung với con, hỏi con các câu đơn giản mà con đã học trên lớp, hỏi các từ mới theo chủ đề con đã học để con nhớ lại bài.
Tôi nghĩ rằng, trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế như hiện nay, việc biết thêm một ngoại ngữ có thể giúp cho học sinh trang bị và tăng cơ hội nghề nghiệp sau này. Tất nhiên, việc học hai ngoại ngữ song song, đặc biệt là khi chúng không có sự liên kết hoặc tương đương về mặt ngữ pháp, từ vựng, đòi hỏi học sinh cần phải tăng khả năng ghi nhớ và có thời gian phân bổ học tập cho mỗi ngoại ngữ thật hợp lý. Điều quan trọng là học nhưng phải luôn trong tinh thần thoải mái, không chút gò bó, áp lực.
>> 'Con tôi lớp 9 đạt IELTS 6.5 vì học tiếng Anh từ 2 tuổi'
Sau hai năm, song song với Tiếng Anh, con gái tôi đã biết giao tiếp đơn giản bằng tiếng Trung, hát được một số bài hát của Trung Quốc và con luôn cảm thấy thích học môn này. Tôi thấy, việc cho trẻ học nhiều ngoại ngữ một lúc có rất nhiều lợi ích như: rèn luyện trí não, phát triển sự linh hoạt, mở rộng khả năng giao tiếp, tiết kiệm thời gian, học ngôn ngữ khác dễ dàng hơn, có lợi thế cạnh tranh khi đi xin việc sau này...
Tất nhiên, mỗi trẻ sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, vì vậy cha mẹ cần quan sát cách con tiếp thu kiến thức trong quá trình học tập để có định hướng phù hợp. Có những trẻ sẽ có hứng thú với ngôn ngữ từ sớm, nhưng nhiều đứa trẻ sẽ cần thêm thời gian tiếp xúc và trải nghiệm mới bắt đầu yêu thích ngôn ngữ mới.
Kinh nghiệm nuôi dạy hai con gái của tôi là khi con ở độ tuổi 2-4 tuổi, tôi cho các con tiếp xúc dần với ngoại ngữ càng sớm càng tốt, có thể qua phim hoạt hình, truyện audio, bài hát thiếu nhi vui nhộn... Nhờ đó, trẻ sẽ có thể cảm nhận được ngoại ngữ đó về ngữ điệu và ngữ nghĩa, sau đó tiếp thu, xử lý thông tin và bắt chước lại như cách chúng học tiếng mẹ đẻ. Khi con ở độ tuổi 5-6 tuổi, đã sử dụng khá thành thạo được ngôn ngữ mẹ đẻ, cũng là lúc thích hợp để cho con tiếp nhận thêm một hoặc hai ngoại ngữ nữa.
Ngoài ra, để đạt được hiệu quả cao trong quá trình con học ngoại ngữ, cha mẹ cũng nên có phương pháp nhằm giúp trẻ không cảm thấy áp lực hay bị rối loạn ngôn ngữ: cho con học ngoại ngữ qua các hình thức gián tiếp (chơi trò chơi, đọc truyện, nghe nhạc, xem hoạt hình...), lựa chọn phương pháp học phù hợp, kiên trì khi dạy con, cho con học trong môi trường học tập tốt, lưu ý đến sự khả năng tiếp thu của trẻ để có thể tạo ra một lịch học phù hợp, tăng cường đọc sách song ngữ, không quá quan trọng ngữ pháp, và cuối cùng là tương tác với trẻ mỗi ngày bằng những câu giao tiếp thông dụng.
Làm được những điều đó, tôi tin các bậc cha mẹ sẽ không còn phải lo lắng khi con học đồng thời hai ngoại ngữ một lúc ngày từ lứa tuổi tiểu học.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Người Việt tốn quá nhiều thời gian cho việc học tiếng Anh'
- 'Đốt tiền' cho con học tiếng Anh ở trung tâm từ ba tuổi
- Tôi cho con học tiếng Anh 18 tiếng mỗi tuần
- Cho trẻ học tiếng Anh quá sớm
- 'Không nên cho trẻ học tiếng Anh trước 12 tuổi'
- 'Con tôi kém tiếng Việt vì học tiếng Anh từ sớm'