Sáng nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thời điểm công bố điểm thi cũng là lúc nhiều học sinh và phụ huynh phải đối mặt với những niềm vui và nỗi buồn. Sẽ có gia đình vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi con đạt điểm cao, nhưng cũng có những gia đình lặng lẽ, trầm lắng, không ai muốn nói với ai câu nào vì con đạt điểm thấp. Sẽ có những em học sinh ăn cơm chan nước mắt, đóng cửa khóc một mình trong phòng, và sẽ có những cha mẹ trách mắng con đã không thực sự cố gắng học trong suốt ba năm cấp ba.
Tình trạng chung sau khi biết điểm thi tốt nghiệp, những em có kết quả không như ý thường thất vọng về bản thân, lo sợ làm cha mẹ buồn nên tâm lý dễ suy sụp. Trên thực tế, cứ sau mỗi đợt công bố kết quả thi, chúng ta lại chứng kiến nhiều học sinh bị stress, rối loạn sức khỏe tâm thần, thậm chí một số trường hợp quá căng thẳng dẫn đến hành động dại dột... Đó là những hệ quả của áp lực thi cử.
Năm nay, con gái lớn của tôi cũng thi tốt nghiệp THPT nhưng tôi đã chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái nhất có thể, sẵn sàng đón nhận kết quả thi của con. Tôi luôn nghĩ rằng con đường học hành ở trường đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Học ở trường đại học danh tiếng, kết quả học tập xuất sắc không đồng nghĩa với việc con sẽ thành công trong tương lai. Trên thực tế, có nhiều người nổi tiếng thành công trong xã hội đều học ở những ngôi trường đại học bình thường và có kết quả học tập chỉ ở mức trung bình. Tương lai của con còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Tôi chỉ giúp con định hướng, xem xét về những ngành nghề mà con chọn, cân nhắc về cả quá trình học tập cũng như cơ hội việc làm sau này. Dù tôi thích con học ngành Sư phạm để sau này nối nghiệp mẹ, nhưng con lại thích ngành Tâm lý học. Thế nên, tôi tôn trọng mong muốn của con, để con tự lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng và sở thích của mình.Trong quá trình con lựa chọn, nếu cảm thấy các nguyện vọng chưa phù hợp thì tôi sẽ góp ý, hướng dẫn con để có quyết định sau cùng phù hợp nhất.
Tôi cho rằng, việc quan trọng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT của con là cha mẹ hãy phân tích cho con hiểu rằng chọn trường không quan trọng bằng việc chọn ngành học. Con có thể chọn ngành học mà mình yêu thích, sau đó nộp hồ sơ vào các trường có ngành học đó theo thứ tự điểm chuẩn từ cao tới thấp, cơ hội sẽ mở rộng hơn.
Nếu học khối ngành kinh tế, không nhất thiết phải học trường top đầu như Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Đại học Ngoại thương Hà Nội... Nếu thích học ngành IT không nhất thiết phải học Đại học Bách khoa Hà Nội... Nếu con thích học ngành Ngôn ngữ Anh, không nhất thiết phải học Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Hà Nội... Đến khi ra trường, đi làm, nhà tuyển dụng sẽ chỉ quan tâm con học ngành gì, có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không, không mấy ai quan tâm con học trường gì và tốt nghiệp loại gì.
Tôi cho rằng trẻ học giỏi thôi thì chưa đủ. Các con cần có kỹ năng xã hội, kỹ năng chấp nhận thất bại, kỹ năng đương đầu để vượt qua khó khăn... Kết quả của một kỳ thi chưa tốt cũng chẳng kết luận được điều gì. Quan trọng nhất là cha mẹ phải giúp con rút ra được bài học gì? Hãy trao cho con tình yêu thương, động viên, khích lệ chứ đừng trao cho con những cảm xúc tiêu cực, rất dễ khiến trẻ bị tổn thương, buông xuôi, mất tự tin vào bản thân.
Hy vọng rằng, hôm nay các bậc phụ huynh sẽ học được cách bình thản đón nhận thông tin điểm thi tốt nghiệp THPT của con mình, luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc của con và có ứng xử văn minh với kết quả thi của con.
- Tôi bằng lòng nếu con thi trượt lớp 10 công lập
- 'Nếu trượt cấp ba, con tôi không biết làm gì'
- Nếu con thi trượt
- Thư gửi con thi trượt đại học
- Quyền được thi trượt
- 'Không hối hận vì hai năm cho con khổ luyện thi vào lớp 10'