"Tôi lớn lên ở vùng quê, cách Hà Nội 70 km. Mức sống ở Hà Nội cũng chỉ hơn ở quê tôi một chút thôi. Nhà tôi làm nông nghiệp nên rất vất vả. Ngày xưa, tôi cố gắng học tập để đỗ đại học, mong kiếm việc làm ở thánh phố, thoát khỏi cảnh 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời', chân lấm tay bùn. Nhưng nhiều lúc, sống ở Hà Nội mệt mỏi, bon chen, tôi lại muốn bỏ tất cả về quê sống. Có điều, về quê sống thì biết làm gì để ra tiền, kiếm việc gì để làm? Nghĩ vậy nên tôi lại thôi và đành cố bám trụ ở Hà Nội".
Đó là chia sẻ của độc giả Vũ Hằng khi lựa chọn bám trụ lại thành phố thay vì chọn cuộc sống ở quê. Bỏ phố về quê, thời gian gần đây đã trở thành xu hướng, thành trào lưu ở giới trẻ. Vài năm trở lại đây, từ mạng xã hội ra đời sống, chẳng khó để thấy nhiều người trẻ xui nhau bỏ phố về quê trồng rau, nuôi gà. Mong sống đời an yên gần gũi thiên nhiên, tránh xa xô bồ, bon chen, môi trường ngột ngạt của phố thị...
Thế nhưng không phải ai cũng ủng hộ xu hướng này. Nói về lý do chọn ở phố thay vì về quê, bạn đọc Trịnh Thiên Kỳ nhấn mạnh: "Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo và khá xa Hà Nội. Cố gắng lên thành phố, đỗ đại học và bon chen vật lộn mỗi ngày, nhiều khi 'phát hỏa'. Nhưng nếu về quê, hiện tại tôi cũng không biết làm gì. Tôi cũng đang mong có thể chủ động hơn trong việc kiếm thêm thu nhập. Và trong tương lai xa, có lẽ khi về già, sẽ là về một vùng quê và trồng rau nuôi gà".
Khẳng định điều kiện sống ở quê khó khăn hơn nhiều với cuộc sống ở thành phố, độc giả Lyuxi.na chia sẻ: "Quê tôi ở vùng sâu vùng xa, gần biên giới, nói chung thực phẩm hạn chế, chợ tự phát cũng mới bắt đầu có, nhưng cũng rất ít, thịt cá mỗi ngày phụ thuộc vào những người bán hàng rong mang từ thị trấn lên (cách 20 km) vào lúc 7h và 16h. Thực phẩm đã vậy chứ đừng nói đến các hoạt động vui chơi giải trí khác. Nhiều khi có tiền, bạn cũng không có chỗ tiêu (bọn tôi hay trêu vậy) nên lớp trẻ sẽ kéo ra đô thị để mưu sinh".
Bạn đọc Phantudna lại cho rằng, giấc mơ về một cuộc sống dễ dàng ở thôn quê đang khiến nhiều người sai lầm: "Những chuyến du lịch hay những video trên mạng đang khiến chúng ta có những tưởng tượng tích cực về cuộc sống tươi đẹp, nhàn nhã ở nông thôn mà quên đi mất những khó khăn, bất tiện mà ta sẽ gặp phải.
Với tư cách một người lớn lên ở nông thôn, mỗi sáng thức giấc của bố mẹ tôi không phải là pha một ấm chè, rồi ngồi thư thái tận hưởng bình minh mà là lao đầu vào cánh đồng lúa dưới cái nóng 30-40 độ, là những bữa ăn đạm bạc chỉ có rau, dưa, cà pháo trong suốt nhiều năm trời. Cuộc sống ở nông thôn có vẻ đẹp riêng của nó nhưng đấy là nếu bạn chỉ sống trong một khoảng thời gian đủ để bản thân chưa sinh ra chán nản với chính cuộc sống đó".
>> 'Thu nhập 30 triệu mới đủ bám trụ thành phố'
Các nhà xã hội học tính ra mỗi người dân đô thị phải hứng chịu rủi ro với xác suất rất cao từ ít nhất 20-30 loại mỗi ngày, như ngộ độc thực phẩm, ngộ độc thuốc Tây, đụng xe, sụp hố, cháy nổ, sập công trình, chó cắn... Có lẽ vì không chịu nổi áp lực ngày càng gia tăng nên từ cuối thế kỷ 20 xuất hiện làn sóng hồi hương. Nhưng vào năm 2020, xu hướng này bột phát mạnh mẽ hơn, mà dịch Covid-19 được xem là một cú hích khiến cho dòng người bỏ phố về quê gia tăng cả về quy mô và tốc độ.
Là một người đi theo trào lưu này, độc giả Nghĩa Bùi chia sẻ: "Tôi đã bỏ phố về quê được sáu năm. Nhìn lại, cũng có lúc thấy quyết định đó hơi bốc đồng, không nghĩ gì nhiều, chỉ là cảm thấy chán thành phố nên tôi về quê. Nhưng đến giờ, tôi lại thấy hài lòng với quyết định đó, thấy nó phù hợp với người sống đơn giản, hướng nội, không có tham vọng gì lớn như tôi. Tất nhiên, tài chính dù ở đâu cũng rất quan trọng, nhưng ở quê thu nhập thấp hơn ở thành phố thì bạn vẫn có cuộc sống chấp nhận được, vì vậy mà công việc cũng thoải mái hơn. Tôi ở một vùng quê Nam Định nên các dịch vụ tiện ích cơ bản không khác nhiều ở thành phố".
Cũng ủng hộ cuộc sống ở vùng quê thay vì bon chen ở thành phố, bạn đọc Trịnh Pơ Liêm lấy dẫn chứng từ chính bản thân mình: "Vợ chồng tôi sống ở quê, nhưng sáng ra hai hai vợ chồng đi xe ôtô 20 km lên TP Bắc Ninh làm việc. Chúng tôi kiếm tiền ở thành phố để về quê tiêu, cuộc sống rất nhẹ nhàng và bình dị nhưng cũng chẳng thiếu thốn thứ gì. Thay vào đó, chúng tôi được hưởng sự yên tĩnh, trong lành. Các bạn có thể về quê ở và tìm việc tại địa phương, bây giờ khu công nghiệp các tỉnh rất nhiều và cơ hội dịch vụ việc làm cũng không ít. Không phải mỗi Hà Nội hay TP HCM mới nhiều cơ hội việc làm".
Đồng quan điểm, độc giả Phạm quỳnh nhấn mạnh: "Nói chung, ở phố hay ở quê thì có làm thì mới có ăn. Ở phố y tế tiện lợi, nhưng sống đâu phải mong chờ đi viện cho nhanh? Chưa kể, giờ ở quê, đi viện chỉ cần thuê taxi, giao thông thuận tiện, cũng có thể lên tuyến trên khám bình thường. Còn không có tiền, bạn ở đâu cũng chẳng dám đi khám, nói gì đến thừa hưởng dịch vụ. Tôi thấy ở quê giờ thuận tiện, nếu chỉ nói chuyện làm ăn kinh tế, cứ chăm chỉ bạn cũng xây được nhà to, ăn uống thoải mái, lại còn dư dả. Trong khi đó, ở phố chỉ có ô nhiễm".
'Dám làm, dám đương đầu' - đó là quan điểm sống của bạn đọc Xuanduygialai240491 khi lựa chọn bỏ phố về quê: "Tôi cũng từng nghĩ cuộc sống ở thành thị sẽ tốt hơn ở quê. Ở thành phố, làm công ăn lương, thu nhập đều hàng tháng, có nguồn thu và chi cân đối, nên cuộc sống cá nhân tôi cũng như chăm sóc gia đình tương đối ổn.
>> Ba kiểu người nuôi mộng làm farmstay
Ban đầu, khi về quê, mọi thứ tôi phải bắt đầu lại từ đầu, khó khăn và chi phí bỏ ra để gây dựng tương đối lớn. Tuy nhiên, tôi có xem một vài chia sẻ của một vị tiến sĩ rằng "khi con người ta không có tiền thì thì bản năng sẽ thúc đẩy để con người sẽ suy nghĩ và tìm ra hướng đi mới cho mình"; hay như câu nói "cứ đi rồi sẽ đến". Tôi nghĩ điều quan trọng là mình có dám làm và dám đương đầu với thử thách hay không mà thôi".
Giới trẻ gần đây vẫn hay nghêu ngao câu hát: "Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau. Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau". Nói vậy, nhưng đâu phải ai cũng đủ dũng khí để bỏ phố về quê, đâu phải ai cũng có sẵn ruộng ao chờ về, và rồi còn bao nhiêu áp lực khác đang chờ đợi. Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ bỏ phố về quê, vì lý tưởng, vì đam mê. Vậy còn bạn thì sao?
Thành Lê tổng hợp
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.