New York Times hôm 27/5 đưa tin quan chức tình báo Mỹ dự định sử dụng phân tích máy tính để tìm ra liệu virus có phải tình cờ bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc, nhằm theo dõi hoạt động của các nhân viên phòng thí nghiệm và xem xét mô hình bùng phát. Họ không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về bằng chứng hoặc loại phân tích máy tính sẽ được tiến hành.
Một quan chức chính quyền cấp cao nói rằng chính phủ sẽ huy động các phòng thí nghiệm quốc gia và những nguồn lực khoa học mà trước đây chưa tham gia nỗ lực truy tìm nguồn gốc đại dịch đã khiến hơn 3,5 triệu người chết trên toàn thế giới.
Nhà Trắng và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) hiện chưa bình luận về thông tin trên.
ODNI trước đó thừa nhận cộng đồng tình báo đang xem xét hai giả thuyết nguồn gốc Covid-19. Hai trong số 17 cơ quan cấu thành cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng virus có nguồn gốc từ động vật bị nhiễm bệnh và cơ quan thứ ba tin rằng đại dịch bắt nguồn từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm. Hiện chưa rõ đó là những cơ quan nào.
Tổng thống Joe Biden hôm 26/5 yêu cầu cộng đồng tình báo phải trình báo cáo điều tra nguồn gốc đại dịch trong 90 ngày. Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre xác nhận cuộc điều tra sẽ bao gồm mọi khả năng có thể dẫn đến một phòng thí nghiệm của Trung Quốc.
Ngoài việc kiểm soát các nguồn lực khoa học, nỗ lực của Biden còn nhằm thúc đẩy đồng minh và cơ quan tình báo Mỹ khai thác thông tin hiện có, như nhân chứng hoặc bằng chứng sinh học, cũng như truy tìm các thông tin tình báo mới để xác định liệu chính phủ Trung Quốc có che đậy sự cố rò rỉ.
Nỗ lực điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 bắt đầu từ thời cựu tổng thống Donald Trump, người thường chỉ trích Trung Quốc và đề cập khả năng virus lọt ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm gây chú ý trở lại khi Wall Street Journal hôm 23/5 dẫn báo cáo chưa được công bố của tình báo Mỹ nói rằng ba chuyên gia Viện Virus học Vũ Hán đã nhập viện tháng 11/2019 với những triệu chứng tương tự Covid-19 và bệnh cúm mùa, ngay trước khi đại dịch bùng phát tại thành phố này. Trung Quốc phủ nhận thông tin, khẳng định không có chuyên gia nào nhập viện.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nói với phóng viên rằng ông chưa thấy bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào về nguyên nhân đại dịch, nhưng ủng hộ nỗ lực tìm hiểu sâu hơn. "Số ca tử vong, nỗi đau đớn và thống khổ nhân loại phải trải qua trong đại dịch này là rất lớn. Chúng ta cần biết nguồn gốc, cách đại dịch xảy ra", ông nói.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ hôm 26/5 ra tuyên bố nói rằng "một số lực lượng chính trị đã cố ý thao túng chính trị và chơi trò đổ lỗi" và kêu gọi nghiên cứu toàn diện về tất cả ca Covid-19 đầu tiên được phát hiện trên thế giới cũng như điều tra kỹ lưỡng về một số căn cứ bí mật, phòng thí nghiệm sinh học trên toàn thế giới".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua khơi lại "lịch sử đen tối" của tình báo Mỹ sau lệnh điều tra của Biden.
"Động cơ và mục đích của chính quyền Biden đã rõ ràng, trong khi lịch sử đen tối của cộng đồng tình báo Mỹ đã được thế giới biết đến từ lâu", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu lập Kiên nói, đề cập những cáo buộc vô căn cứ của Mỹ về vũ khí hủy diệt hàng loạt để biện minh cho cuộc xâm lược Iraq.
Sự thất vọng của Nhà Trắng đối với Trung Quốc tăng lên sau khi Bắc Kinh không tham gia các cuộc điều tra bổ sung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguồn gốc đại dịch. Một quan chức chính quyền Biden cho biết nếu cuộc điều tra mới không mang lại câu trả lời, thì đó là do Trung Quốc đã không minh bạch.
Tuy nhiên, chính quyền Biden không cố cô lập Trung Quốc, và thay vào đó đi theo phương hướng thận trọng giữa việc gây sức ép buộc Bắc Kinh hợp tác và chứng minh nếu nước này không tham gia, Mỹ sẽ tăng cường điều tra riêng.
Huyền Lê (Theo NY Times, Hill)