"Cộng đồng tình báo Mỹ không biết chính xác nơi nào, khi nào hoặc làm thế nào virus gây đại dịch Covid-19 lan truyền ban đầu, nhưng đã hợp thành hai kịch bản có thể xảy ra", Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) hôm 27/5 cho hay, thêm rằng đa số tin không "đủ thông tin để đánh giá kịch bản nào có nhiều khả năng hơn".
Theo tuyên bố của ODNI, hai trong số 17 cơ quan cấu thành cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng virus có nguồn gốc từ động vật bị nhiễm bệnh và cơ quan thứ ba tin rằng đại dịch bắt nguồn từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, tuyên bố không nêu cụ thể đó là những cơ quan nào.
ODNI cho biết trong cả hai trường hợp, các cơ quan đã dựa vào cách giải thích này hay cách giải thích khác với "độ tin cậy thấp hoặc trung bình", theo thuật ngữ tình báo có nghĩa họ tin rằng bằng chứng hỗ trợ quan điểm còn lâu mới kết luận được.
Một nguồn tin quen thuộc với các phân tích cộng đồng tình báo cho biết cả Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan Tình báo Quốc phòng hiện đều không ủng hộ hai cách giải thích về nguồn gốc của virus, nói rằng họ nằm trong số phần lớn các cơ quan Mỹ tin rằng thông tin hiện tại không đủ để xác định kịch bản nào có khả năng hơn.
Tổng thống Joe Biden cho biết ông có thể sẽ công bố một báo cáo trình bày chi tiết những phát hiện của cộng đồng tình báo Mỹ về nguồn gốc Covid-19, sau khi lệnh cho cộng đồng tình báo "nhân đôi" nỗ lực nghiên cứu nguồn gốc đại dịch, tiếp tục thúc ép Trung Quốc tham gia cuộc điều tra đầy đủ.
Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre xác nhận cuộc điều tra sẽ bao gồm mọi khả năng có thể dẫn đến một phòng thí nghiệm của Trung Quốc.
"Trung Quốc không đủ minh bạch. Chúng tôi đã nói từ rất lâu rằng Trung Quốc cần cung cấp nhiều quyền tiếp cận hơn đến phòng thí nghiệm, hợp tác đầy đủ hơn với các nhà điều tra khoa học", bà nói.
Thế giới đã ghi nhận 169.591.214 ca nhiễm nCoV và 3.523.015 ca tử vong, tăng lần lượt 516.146 và 11.069, trong khi 151.446.308 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 33.994.009 ca nhiễm và 606.772 ca tử vong do nCoV, tăng 22.802 ca nhiễm và 596 ca tử vong so với một ngày trước đó.
10 bang của Mỹ đã đạt mục tiêu tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine Covid-19 cho 70% dân số trước 4/7, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 26/5. Hơn 165 triệu người, tương đương 49,7% dân số Mỹ, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và gần 132 triệu người, khoảng 39,7% dân số, đã được tiêm đầy đủ. Trung bình 7 ngày qua, mỗi ngày Mỹ tiêm chủng được 1,7 triệu liều.
Chính phủ cho biết hồ sơ mới về trợ cấp thất nghiệp của Mỹ giảm tuần thứ tư liên tiếp, xuống mức thấp trong đại dịch nhờ vaccine Covid-19 giúp nền kinh tế phục hồi.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 27.547.705 ca nhiễm và 318.821 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 179.770 và 3.558 ca.
Ấn Độ đang thay đổi cách tiếp cận vaccine, thông báo đã loại bỏ thử nghiệm đối với vaccine nước ngoài "có uy tín" để nhập khẩu nhanh chóng. Chính phủ đang đàm phán với Pfizer để nhập khẩu "sớm nhất có thể" và cũng đã thảo luận với Johnson & Johnson, Moderna.
Nước này đã tiêm chủng cho người dân bằng vaccine AstraZeneca được sản xuất tại Viện Huyết thanh trong nước, Covaxin do công ty Bharat Biotech sản xuất, và bắt đầu tung ra Sputnik V của Nga. Tuy nhiên, nguồn cung còn thiếu nhiều so với hàng triệu liều mà quốc gia đông dân thứ hai thế giới cần.
Tháng trước, Ấn Độ cam kết thúc đẩy nhanh phê duyệt vaccine nước ngoài, nhưng kiên quyết duy trì thử nghiệm trong nước đối với các vaccine đó, khiến thảo luận với Pfizer bị đình trệ. "Điều khoản đã được sửa đổi để từ bỏ hoàn toàn yêu cầu thử nghiệm đối với vaccine được sản xuất ở các quốc gia khác", chính phủ cho biết.
Argentina báo cáo số ca Covid-19 mới kỷ lục trong một ngày là 41.080 ca, trong bối cảnh sóng lây nhiễm thứ hai khiến quốc gia này trở thành một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe đến mức giới hạn.
Theo số liệu chính thức, quốc gia 45 triệu dân này đã báo cáo tổng cộng 3.663.215 ca nhiễm và 76.135 ca tử vong, là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, cùng các nước láng giềng Uruguay, Paraguay và Brazil.
Argentina hôm 22/9 bắt đầu áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt 9 ngày để kiểm soát virus. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình tiêm chủng chậm hơn so với cam kết của chính phủ Tổng thống Alberto Fernandez. Các biện pháp phong tỏa hiện tại bao gồm đình chỉ các lớp học trực tiếp, áp giờ giới nghiêm hàng đêm và nhà hàng chỉ bán mang đi.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết nước này sẽ thúc đẩy kế hoạch giảm một số hạn chế Covid-19 từ 1/6, vì ca nhiễm mới giảm mạnh những tuần gần đây.
Việc nới lỏng được công bố trước đó gồm thời gian mở cửa dài hơn cho các nhà hàng và quán cà phê, cũng như tăng số lượng khán giả tại các sự kiện thể thao và du khách tại các bảo tàng, công viên giải trí.
Thụy Điển ghi nhận 1.366 ca Covid mới hôm 27/5, mức hàng ngày thấp nhất trong hơn 7 tháng.
Châu Phi cần ít nhất 20 triệu liều vaccine Oxford/AstraZeneca trong vòng 6 tuần để tiêm kịp thời mũi thứ hai cho những người đã tiêm mũi đầu tiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 27/5.
"Châu Phi cần vaccine ngay bây giờ", tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO, nói. "Bất kỳ sự tạm dừng nào trong chiến dịch tiêm chủng của chúng tôi sẽ dẫn đến mất đi sinh mạng và mất hy vọng".
Tuyên bố của WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ khoảng thời gian khuyến cáo từ 8 đến 12 tuần giữa các liều tiêm để đảm bảo tỷ lệ hiệu quả 81%.
"Ngoài nhu cầu cấp thiết này, cần phải có thêm 200 triệu liều vaccine Covid-19 được liệt kê trong danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO để châu lục này có thể tiêm chủng cho 10% dân số vào tháng 9/2021", tuyên bố nêu thêm.
Tính đến ngày 26/5, châu Phi ghi nhận hơn 4,7 triệu ca nhiễm, gần 130.000 ca tử vong do Covid-19.
Đài Loan báo cáo 401 ca nhiễm mới, 13 ca tử vong và thêm 266 kết quả tồn đọng từ tuần trước, cho thấy đợt bùng phát đại dịch tồi tệ nhất của hòn đảo vẫn lan rộng liên tục, bất chấp các hạn chế. Hơn một nửa ca mắc mới là người dưới 40 tuổi, gồm 45 trẻ em dưới 9 tuổi. Ca nhiễm mới vẫn tập trung ở các thành phố Tân Đài Bắc và Đài Bắc.
Dân số Đài Loan phần lớn tuân thủ các hạn chế bắt buộc và được yêu cầu, ở nhà và tránh du lịch. Gần 1500 người đang ở trong các cơ sở cách ly tập trung, được thành lập cho những người mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ để giảm áp lực cho bệnh viện.
Đài Loan sẽ chỉ chuyển sang mức cảnh báo cấp độ 4, tức lệnh phong tỏa, nếu 14 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 100 ca nhiễm.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.797.499 ca nhiễm, tăng 6.278, trong đó 49.907 người chết, tăng 136.
Indonesia đã tiếp tục sử dụng lô vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Cơ quan thực phẩm và dược phẩm (BPOM) của nước này trước đó đình chỉ sử dụng để điều tra sau khi một nam thanh niên tử vong đầu tháng này.
"Theo kết quả xét nghiệm, có thể kết luận rằng không có mối liên hệ nào giữa chất lượng lô vaccine Covid-19 số CTMAV547 với sự cố sau tiêm chủng được báo cáo", BPOM cho hay.
Malaysia báo cáo thêm 7.857 ca nhiễm mới, mức cao kỷ lục ngày thứ tư liên tiếp và cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. Quốc gia này cũng báo cáo thêm 59 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên 541.224 và 2.491.
Tổng giám đốc y tế Noor Hisham Abdullah cảnh báo hai tuần tới là rất quan trọng vì điều tồi tệ nhất có thể sẽ đến. Ông cho biết công chúng Malaysia phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
"Sự gia tăng ca nhiễm bắt đầu từ ngày 1/4 và có thể gây ra đợt tăng đột biến. Chúng ta cần chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Xin hãy giúp chúng tôi bằng cách ở nhà. Chỉ hợp lực cùng nhau, chúng ta mới có thể phá vỡ chuỗi lây nhiễm", ông cho biết trong bài đăng Twitter.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)