Cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang đặt ra thách thức lớn đối với cơ quan này, khi phải trả lời câu hỏi về bước tiếp theo trong cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19. Đây là lần đầu tiên các nước thành viên nhóm họp kể từ khi báo cáo gây tranh cãi về nguồn gốc đại dịch được nhóm điều tra quốc tế do WHO dẫn đầu công bố hồi đầu năm nay.
Nhóm điều tra được WHO cử đến thành phố Vũ Hán, nơi ghi nhận những ca Covid-19 đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, để tìm hiểu nguồn gốc đại dịch. Sau nhiều lần trì hoãn, nhóm công bố báo cáo, trong đó không đưa ra kết luận chắc chắn về nguồn gốc đại dịch, mà chỉ xếp hạng một số giả thuyết theo mức độ tin tưởng của họ.
Tại Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết định của WHO, diễn ra tuần này, đại diện Mỹ, Anh, Nhật và Liên minh châu Âu kêu gọi mở cuộc điều tra mới về nguồn gốc Covid-19, cho rằng những phát hiện của cuộc điều tra hồi đầu năm thiếu minh bạch và không độc lập với chính quyền Trung Quốc.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng chỉ trích những lỗ hổng trong việc các nhà khoa học quốc tế tiếp cận dữ liệu thực địa, dù Bắc Kinh luôn khẳng định họ minh bạch trong quá trình này.
"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 mạnh mẽ, toàn diện và do chuyên gia lãnh đạo là trọng tâm để đảm bảo rằng chúng ta sẵn sàng giảm thiểu và ứng phó thành công với các đợt bùng phát trong tương lai, cũng như ngăn chặn dịch bệnh trong tương lai", đại diện Mỹ Jeremy Konyndyk hôm 25/5 nói tại WHA.
Trung Quốc cũng tuyên bố ủng hộ nghiên cứu sâu hơn về nguồn gốc Covid-19, nhưng nhấn mạnh họ đã hoàn thành phần của mình và giờ đến lúc các nước khác hợp tác cho cuộc điều tra toàn cầu.
Giới chuyên gia nhận định giữa tình thế giằng co Mỹ - Trung, việc tìm một hướng đi hợp lý và được ủng hộ rộng rãi là thách thức lớn đối với WHO.
"Cố gắng cân bằng giữa hướng điều tra mà Trung Quốc muốn, đồng thời đáp ứng mong đợi của Mỹ là điều rất khó khăn", Sara Davies, chuyên gia về quản trị y tế toàn cầu và giáo sư tại Đại học Griffith, Australia, nói. "Rõ ràng là Mỹ và đồng minh không hài lòng và có nhiều câu hỏi muốn được trả lời, nhưng những tuyên bố gần đây của Trung Quốc cho thấy họ kiên quyết rằng điều này đã hoàn thành".
Một trong những trở ngại lớn có thể là giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Viện Virus học Vũ Hán, nơi đang nghiên cứu các loại virus từ loài dơi. Nhóm điều tra của WHO và các đối tác Trung Quốc cùng làm việc tại Vũ Hán trong một tháng đều cho rằng giả thuyết trên "cực kỳ khó xảy ra".
Họ đã đưa ra ba giả thuyết khác được cho có khả năng cao hơn, gồm virus truyền trực tiếp từ dơi sang người, hoặc truyền từ dơi sang người qua động vật trung gian, hoặc qua thực phẩm.
Nhưng lời kêu gọi điều tra giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ngày càng nhận được nhiều ủng hộ từ giới khoa học và nghị sĩ nổi tiếng ở Mỹ, cũng như chính Tổng giám đốc WHO Tedros.
Tại cuộc họp ngày 25/5 của WHA, không quốc gia nào đề cập trực tiếp tới Trung Quốc hoặc giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, dù Bồ Đào Nha, đại diện cho các nước Liên minh châu Âu (EU), kêu gọi nghiên cứu cả bốn giả thuyết.
Các chuyên gia cho hay việc giới lãnh đạo Mỹ thảo luận ngày càng nhiều về giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm có thể khiến việc điều tra trở nên quan trọng hơn đối với nhiều quốc gia, nhưng vẫn tồn tại "một lằn ranh đỏ" với Trung Quốc về vấn đề này.
"Để điều tra thêm về nguồn gốc đại dịch, sẽ có rất nhiều việc cần làm ở Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc cần cho phép các chuyên gia quốc tế tiếp cận phòng thí nghiệm Vũ Hán. Nhưng điều đó khó có thể xảy ra", Ayelet Berman, người đứng đầu về y tế toàn cầu tại Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore, nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 26/5 chỉ trích lời kêu gọi điều tra giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm và nói bước tiếp theo của cuộc điều tra nên được tiến hành tại Mỹ, dù không cung cấp lý do.
"Một số người Mỹ tuyên bố muốn biết sự thật, nhưng ý định thực sự của họ là thao túng chính trị", ông Triệu nói.
Vương Nghệ Vĩ, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cũng kêu gọi các nhà điều tra WHO không nên chỉ tập trung vào Trung Quốc.
"Trung Quốc để các chuyên gia điều tra, nhưng Mỹ không làm như vậy. Mỹ có khả năng và thậm chí có thể gặp sự cố từ chính phòng thí nghiệm của họ, vì vậy nghiên cứu nên được tiến hành với tất cả và không nên chỉ nhắm vào Trung Quốc. Lập trường của Trung Quốc là làm bất kỳ điều gì để kiểm soát đại dịch, không chính trị hóa và không vũ khí hóa cuộc điều tra", giáo sư Vương nói.
Drew Thompson, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói Bắc Kinh sẽ tiếp tục tuyên bố họ đã "hoàn thành nghĩa vụ" bằng cách hợp tác trong cuộc điều tra hồi đầu năm.
Ông thêm rằng bất cứ nhóm điều tra nào được tiếp tục cử tới Trung Quốc khó có thể đưa ra những kết luận làm hài lòng Mỹ và những nước kêu gọi cuộc điều tra độc lập với chính quyền Bắc Kinh.
"Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy động lực chính trị ở Trung Quốc đã thay đổi hoặc bản chất quan hệ của WHO với các nước thành viên đã thay đổi", ông nói.
Nhưng Berman hy vọng nhiều cuộc đàm phán sẽ diễn ra để xác định hướng nghiên cứu nguồn gốc virus tiếp theo ở Trung Quốc, các nước láng giềng hoặc ở nơi khác.
"Dù tất cả các nước đều ủng hộ điều tra, chúng ta hãy theo dõi và xem họ có thể thỏa thuận để thống nhất về hướng điều tra nào, nếu có", bà nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)