Thứ năm, 13/9/2018, 13:53 (GMT+7)

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Tiến tới mọi người dân đều học tập qua smartphone

Trong thời đại 4.0, ông Vũ Đức Đam cho rằng cần "học tập cả đời" và học qua smartphone là giải pháp cho cả người trẻ lẫn già.

Tham gia phiên thảo luận về “Tương lai việc làm châu Á” tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN sáng 13/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dành nhiều thời gian để nói về đổi mới giáo dục cho trẻ em và "học tập suốt đời" cho người lớn. Theo ông, giáo dục là rất quan trọng để đối phó với những nguy cơ thất nghiệp trong kỷ nguyên 4.0.

Phó Thủ tướng - Vũ Đức Đam tham gia phiên thảo luận sáng nay. Ảnh: Giang Huy

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia phiên thảo luận tại WEF ASEAN sáng 13/9. Ảnh: Giang Huy

Ông giải thích, với các quốc gia như Việt Nam, văn hóa trẻ nhỏ được dạy là rất vâng lời. "Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới giáo dục. Một trong các đổi mới quan trọng là cho các em ngay từ bé ý thức được tương lai thế giới sẽ khó đoán để thay vì chỉ học thụ động mà cần nghĩ khác đi, 'out of the box'", ông nói.

Để trẻ em Việt Nam tư duy độc lập hơn, ông Vũ Đức Đam nói, điều quan trọng nhất là cần dạy cho trẻ một mặt tôn trọng văn hóa truyền thống, một mặt dám nghĩ khác, dám đặt câu hỏi ngược lại với giáo viên.

Với người lớn, ông Vũ Đức Đam cho rằng cần đẩy mạnh học tập suốt đời. Theo ông, đây là điều mà chỉ hay được đề cập với những người 25-40 tuổi chứ ít ai nghĩ đến 60-65 tuổi trở lên. "Cuộc cách mạng này phải đem lại cơ hội cho tất cả. Chúng ta cần chú ý hơn đến việc giúp những người cao tuổi học tập để nắm bắt được cuộc cách mạng này", ông nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: 100% người Việt sẽ có smartphone để học tập
 
 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại WEF ASEAN về vai trò của giáo dục ảnh hưởng tới việc làm trong kỷ nguyên 4.0. Video: Lộc Chung.

Trong phiên thảo luận, các diễn giả cũng đồng tình với với ông về điều này. Ông Ian Lee - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương hãng tư vấn tuyển dụng Adecco cho rằng học tập suốt đời là vấn đề nhất quán tại châu Á - Thái Bình Dương cũng như ASEAN” trong bối cảnh tương lai sẽ có những thay đổi. "10 năm trước ít người nghĩ đến những công việc như an ninh mạng hay phân tích dữ liệu", ông nói.

Bà Vivian Lau – Giám đốc JA châu Á – Thái Bình Dương thì khẳng định khi tuổi thọ con người tăng, việc học sẽ luôn cần thiết. Bên cạnh đó, bà cho rằng doanh nghiệp cần hợp tác với nhà trường để giải quyết vấn đề kỹ năng và việc làm cho người lao động tốt hơn.

Nêu thực tế Việt Nam vẫn còn tới 38% lao động trong nông nghiệp, Phó thủ tướng cho rằng, cần để mọi người lao động học được các kỹ năng để không chỉ họ làm được nghề tại các công ty mà còn tự tạo ra việc làm cho riêng mình. "Làm sao để nông dân tiếp tục canh tác, nhưng bằng công nghệ mới, tiếp cận khách hàng không chỉ ở Việt Nam, ASEAN mà còn cả thế giới để bán hàng của họ và làm dịch vụ khác", ông nói.

Để người lao động tự tạo ra việc làm, ông cho rằng có hai điểm cần chú ý. Một là chú trọng giáo dục về những nghề mới liên quan đến chăm sóc cảm xúc của con người. Hai là phát huy một điểm đặc biệt của Việt Nam, rằng “phần lớn mọi người có hai nghề”. Ông cho rằng chính việc này đã giúp đất nước đứng vững trong khủng hoảng kinh tế 1997.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận về tương lai việc làm ASEAN. Ảnh: Giang Huy

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận về tương lai việc làm ASEAN. Ảnh: Giang Huy

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng nhắc tới một chương trình xây dựng môi trường học có tên Tri thức Việt dưới dạng số hóa. "Tại đây sẽ thu thập kiến thức, biên tập lại dưới dạng câu hỏi và câu trả lời đơn giản cho mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Đây sẽ là kho dữ liệu, khuyến khích các bạn startup trẻ, từ đó tạo ra nhiều ứng dụng thông minh", ông giải thích và cho biết hy vọng sẽ có hàng trăm nghìn ứng dụng mới trên đó.

Đồng tình với ông Vũ Đức Đam, CEO kiêm đồng sáng lập GoGet – Francesca Chia cho rằng nhờ sự hỗ trợ công nghệ, người lao động cũng có khả năng làm việc linh hoạt hơn và tự trang bị kiến thức cho bản thân tốt hơn. 

Do đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng bổ sung, Việt Nam sẽ có chương trình mở rộng diện bao phủ của băng rộng, hay như ông gọi nôm na là độ phủ của smartphone khi hiện 57% dân số đều có thiết bị này. "Chúng tôi sẽ tiến tới tất cả mọi người đều có smartphone và học trên đó. Sau một số năm, hy vọng trình độ hiểu biết chung của mọi người sẽ tăng lên và họ sẽ tìm được cơ hội của mình”, ông kỳ vọng.

Ông cũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam không phải chỉ giải quyết nhu cầu việc làm mới, hay thay thế như các nước phát triển, mà còn cần tiếp tục chuyển đổi những người làm trong nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ giúp môi trường việc làm linh hoạt hơn, đồng thời xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ, ông kết luận, các nhà lãnh đạo sẽ phải có tầm nhìn toàn cầu để xem xét vấn đề và hoạch định chính sách.

Hà Thu - Hoài Thu

 

Chia sẻ bài viết qua email