Ở phiên thảo luận với chủ đề "Điều gì đang đón đợi các nền kinh tế ASEAN" tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN), đại diện của Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers cho rằng, Việt Nam cũng như các nước ASEAN đang đối mặt nhiều thách thức, bên cạnh các cơ hội.
Từ khi thành lập, ASEAN không chỉ tăng gấp đôi thành viên mà còn xử lý thành công khủng hoảng tài chính năm 1997 và năm 2008 – 2009, trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng bền vững của khối cũng gặp không ít thách thức, đặt biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông David Wijeratne, Lãnh đạo Trung tâm Thị trường mới nổi của PwC, cách mạng 4.0 mang đến cơ hội cho sự thay đổi, nhưng đồng thời cũng tạo nên những thách thức. Trong đó, các nền kinh tế đang phát triển của khu vực ASEAN sẽ phải đối mặt với những nguy cơ về suy giảm kinh tế ngắn hạn, dân số già hóa, sự phụ thuộc quá mức vào ngoại thương cũng như khoảng cách khá lớn về mặt cơ sở hạ tầng và thể chế quốc gia. Một trong những vấn đề cần quan tâm nhất là việc cải thiện năng suất lao động.
"Tới đây những nền kinh tế đang phát triển của ASEAN sẽ phải thay đổi, làm ra nhiều hơn nhưng với lực lượng lao động ít hơn", ông David Wijeratne đánh giá.
Đi sâu hơn về Việt Nam, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, sẽ không có ngoại lệ với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
"Chúng ta cũng có những thách thức như những quốc gia đang phát triển khác. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhưng GDP đầu người và những hệ số khác chưa được cao so các nước trong khu vực ASEAN. Thách thức này càng lớn hơn khi dân số đang có xu hướng già hóa và lực lượng lao động trình độ thấp", bà Vân nhận xét.
Theo người đứng đầu PwC Việt Nam, thách thức hiện nay là cần đào tạo lực lượng lao động để nâng cao trình độ, nắm bắt những tiến bộ công nghệ tốt hơn. Hiện 18% lực lượng lao động của Việt Nam chưa có kỹ năng đầy đủ và khi lực lượng lao động rẻ không còn là lợi thế, con số này sẽ trở thành thách thức.
Trước câu hỏi Việt Nam cần làm gì thời gian tới, bà Vân cho rằng một trong những điểm mấu chốt là gia tăng đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào công nghệ và đào tạo. Các doanh nghiệp cần tập trung vào hai trọng tâm này và chỉ khi có cái nhìn nghiêm túc thì mới có thể "vượt qua thử thách".
"Chúng tôi nhận thấy khu vực tư nhân đang có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trên một số lĩnh vực tại ASEAN. Tuy nhiên, đứng trước sự năng động và những thách thức của ASEAN, cũng như những nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng tại đây, các doanh nghiệp sẽ cần triển khai những chiến lược sáng tạo để đạt được thành công", ông David Wijeratne, Lãnh đạo Trung tâm Thị trường mới nổi của PwC nhận định.
Minh Sơn