Chiều 12/9, bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Điều hành châu Á - Thái Bình Dương của Google, ông Karim Temsamani; Tổng giám đốc Tập đoàn Carlsberg, ông Cees't Hart; Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn GE Global, ông Alex Dimitrief.
Thủ tướng cho biết, Google có lượng người dùng rất lớn trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo ông, với gần 100 triệu dân, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển công nghệ thông tin và xác định đây là lĩnh vực mũi nhọn trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng đề nghị Google quan tâm hơn nữa việc gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa của người Việt.
Lãnh đạo Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn Google hợp tác phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam, nhất là về khởi nghiệp sáng tạo (start-up), đào tạo phát triển nhân lực; hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao và đầu tư nghiên cứu phát triển hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam.
Ông Karim Temsamani nhấn mạnh đến số hóa nền kinh tế - một trong những xu hướng quan trọng của thế giới có thể mang lại giá trị rất lớn mà Google sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam.
Theo ông Karim Temsamani, trong chương trình Vietnam Digital 4.0, Google đặt mục tiêu từ nay đến 2020 sẽ đào tạo miễn phí kỹ năng số cho 500.000 chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhằm giúp các đối tượng này tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển cơ hội kinh doanh trong nền kinh tế số. Cùng với đó, Google cũng hứa đóng góp nhiều hơn để xây dựng hệ sinh thái công nghệ ở Việt Nam.
Đặc biệt, tập đoàn này cam kết có những sáng kiến giúp đỡ nông dân Việt Nam số hóa nền sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ người làm việc trong những lĩnh vực sáng tạo, chế tạo để quảng bá sản phẩm hiệu quả hơn, được nhiều người biết đến hơn qua Youtube.
Tại cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với 20 tập đoàn toàn cầu sáng ngày 12/9, một doanh nghiệp lớn khác ngành công nghệ là Facebook cũng có đề nghị hợp tác với Việt Nam. Ông Simon Milner, Phó chủ tịch Facebook, Phụ trách chính sách công khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết hiện diện lâu dài ở Việt Nam và muốn tham gia vào tầm nhìn của Chính phủ về quốc gia số, cam kết tham gia vào 4 lĩnh vực là: Công dân số, kinh tế số, Chính phủ số và kết nối số. Đại diện đơn vị này cũng cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là hỗ trợ, hợp tác với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các start-up.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Cees't Hart, Tổng giám đốc Tập đoàn Carlsberg và ông Alex Dimitrief, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn GE Global. Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường, minh bạch, công khai, và đây là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Carlsberg.
Với việc Carlsberg quan tâm đến quá trình thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco), Thủ tướng đề nghị hai bên sớm trao đổi, giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy mua cổ phần và hợp đồng hợp tác chiến lược.
Tổng giám đốc Carlsberg cho biết mong muốn đầu tư lớn hơn vào Habeco, sau khi đã là nhà đầu tư chiến lược của Habeco từ năm 2008. Carlsberg đã làm việc với Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng của Việt Nam để thúc đẩy nhanh quá trình này.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng, ông Alex Dimitrief, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn GE Global cũng chia sẻ dự định mở rộng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng điện.
"Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có GE, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam", Thủ tướng nói, đồng thời khẳng định, Chính phủ luôn coi trọng các nhà đầu tư và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa, giúp các nhà đầu tư làm ăn hiệu quả tại Việt Nam.
Nguyễn Hà